Mặc dù mùa mưa đã kết thúc tại Lai Châu nhưng 36 hộ dân ở bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn) vẫn đang lo lắng khi trong bản xuất hiện những vết nứt, lún địa chất, có nguy cơ sạt lở cao.
Một số hộ dân đã bắt đầu tìm mặt bằng ở nơi khác để chuyển đi.
Có mặt tại bản Nậm Manh, trung tuần tháng 10/2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhận thấy có nhiều vết nứt lớn hiện rõ tại nhiều đoạn đường bêtông trong bản. Có những đoạn bị đứt gãy trồi lên cao khỏi mặt đường.
Phía trên bản là quả đồi lớn có dấu hiệu sụt lún. Khu vực taluy dương sau bản xảy ra hiện tượng nứt, lở lớn ở phía chân kè đá. Ao nuôi cá của người dân trước đây bằng với mặt đường thì nay đã lún sụt xuống sâu khoảng hơn 2m.
Đặc biệt, khu vực nhà ở của 36 hộ dân nằm trên các vết nứt, xuất hiện các mạch nước ngầm ở dưới đùn lên trong nền nhà.
Nhà anh Khoàng Văn Quân (bản Nậm Manh) xuất hiện vết nứt khắp nền nhà. Anh Quân cho biết mùa mưa vừa rồi, mỗi khi mưa là nước đùn lên, trên mặt nền nhà xuất hiện nhiều vết nứt hơn. Để đảm bảo an toàn, gia đình anh phải đi ở nhờ.
Hiện, gia đình anh đã mua chỗ đất mới với giá 15 triệu đồng, cách nơi ở khoảng 700m. Mặt bằng vừa được san ủi xong, khoảng một tháng nữa hoàn thiện xong nhà mới thì gia đình sẽ chuyển đến.
Chỉ vào khu vực phía sau nhà bị sạt, bà Vàng Thị Phung (bản Nậm Manh) chia sẻ khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều nhà dân xuất hiện nứt, đường trong bản thì đứt gãy nhiều chỗ. Những ngày mưa, gia đình bà giữa đêm còn phải chạy sang nhà con để ngủ nhờ, sáng hôm sau mới về dám về nhà.
Bà Phung mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ chuyển đến nơi ở mới an toàn vì chỗ ở hiện tại sau mỗi mùa mưa lại bị sạt lở nhiều hơn.
Dưới khu vực nguy cơ sạt lở là nơi sinh sống của 36 hộ dân với 132 nhân khẩu. Đây là những hộ dân được bố trí tái định cư về bản Nậm Manh vào năm 2007 khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đã có 5 hộ tự bỏ kinh phí tìm mặt bằng mới để chuyển ra khỏi nơi ở cũ.
Mỗi mùa mưa đến nguy cơ sạt lở càng lớn, các hộ dân đang sống trong cảnh lo sợ, bất an khi không biết thiên tai sẽ xảy ra lúc nào.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nậm Manh Nguyễn Ngọc Lâm cho biết mùa mưa vừa qua, nguy cơ sạt sụt rất cao nên địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động những hộ dân ở đây di chuyển đến nơi khác; đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ di dời tài sản của bà con ra khỏi vùng có nguy cơ sạt sụt. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn các cấp, ngành quan tâm, bố trí nguồn lực di dời 36 hộ dân ra khỏi nguy cơ sạt lở để bà con yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Nhùn, cho biết huyện xác định bản tái định cư Nậm Manh là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở trong khu dân cư. Qua các mùa mưa, huyện đã chỉ đạo xã cần đảm bảo an toàn cho người dân trong bản, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để đánh giá các nguy cơ xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lai Châu đã xuống kiểm tra thực tế để xác định quy mô ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn. Phương án trước mắt đưa ra là những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ được xen ghép vào những khu dân cư hiện có. Về lâu dài sẽ bố trí nguồn lực, tìm địa điểm thuận lợi để hỗ trợ dân cư trong khu vực chuyển đến, đảm bảo an toàn cho người dân.
Không chỉ có điểm dân cư 36 hộ dân ở bản Nậm Manh, nhiều khu vực khác trên địa bàn huyện Nậm Nhùn như các bản Pa Pảng, Nậm Ô (xã Nậm Ban); Huổi Lính, Nậm Chà (xã Nậm Chà)... cũng có nguy cơ sạt lở cao, gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Chính quyền địa phương đã đề xuất để tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ưu tiên nguồn lực, đảm bảo sắp xếp ổn định các cụm dân cư này.
Đối với các cụm dân cư còn lại, huyện Nậm Nhùn xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, khi được Nhà nước bố trí nguồn lực sẽ từng bước sắp xếp dân cư, ổn định đời sống cho nhân dân.
Một trong những khó khăn của huyện Nậm Nhùn là địa hình chia cắt, dân cư sống chủ yếu ở sườn đồi dốc nên hầu hết các khu vực đều tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao khi vào mùa mưa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện sắp xếp dân cư còn gặp khó khăn trong việc tìm mặt bằng do địa hình trên địa bàn là địa hình dốc, chia cắt nên chi phí đầu tư cho việc san gạt, tạo mặt bằng rất lớn.
Việc bố trí mặt bằng dân cư mới còn phải gần với nơi sản xuất của người dân và cần đồng bộ hệ thống hạ tầng như đường xá, điện, nước sinh hoạt. Trong khi nguồn lực để đầu tư sắp xếp, ổn định dân cư của huyện, tỉnh còn hạn chế nên chủ yếu là dựa vào Trung ương./.
Lai Châu: Mưa lớn gây ngập úng cục bộ, sạt lở đất tại bản Pắc Pạ
Mưa lớn kéo dài tại bản Pắc Pạ, xã Vàng San, đã gây sạt lở taluy, ảnh hưởng trực tiếp đến một hộ gia đình trong bản; trong khi đó điểm trường mầm non và nhà của một số hộ dân trong bản bị ngập lụt.