Nhằm tận dụng lợi thế gần với một trong những cửa ngõ chính của Nhật Bản với thế giới, một khu phức hợp mới mang tên Haneda Inovation City (Thành phố Đổi mới Haneda - HICity) đã được xây dựng gần sân bay quốc tế Haneda của thủ đô Tokyo với một trong những trọng tâm là những trung tâm nghiên cứu và đổi mới công nghệ, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu y học tiên tiến và công nghệ cao như robot.
HICity tọa lạc trên địa điểm cũ là Sân bay Haneda ở quận Ota của thủ đô Tokyo có diện tích sàn hơn 130.000m2, là thành phố thông minh tập hợp các cơ sở nghiên cứu và phát triển, không gian văn phòng cũng như các cơ sở ăn uống, giải trí và lưu trú, cùng nhiều cơ sở khác.
Với tính chất “innovation,” HICity tập trung giới thiệu các thiểt bị di động, robot và chăm sóc sức khỏe cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển khác. Khu phức hợp này cũng nhằm mục đích cho phép các công ty thử nghiệm các công nghệ mới trong môi trường thực tế.
HICity được quản lý bởi Haneda Mirai Kaihatsu, một liên doanh gồm chín công ty trong đó có Kajima, Daiwa House, nhà điều hành sân bay Haneda và nhà điều hành đường sắt Keikyu.
Máy chụp CT tư thế đứng
HICity chính là nơi mà Đại học Y tế Fujita có trụ sở tại Nagoya, có một cơ sở nghiên cứu, cung cấp công nghệ y tế tiên tiến, bao gồm cả máy chụp CT có thể chụp ở tư thế đứng. Đây là một công nghệ mới và có những ưu thế đặc biệt.
Ông Ishida Tomokazu, trưởng nhóm nghiên cứu chẩn đoán bằng phóng xạ, cho biết hiện nay trên thế giới chỉ có 3 máy chụp CT tư thế đứng, trong đó có 2 máy tại Nhật Bản.
Singapore tiếp tục là "thành phố thông minh nhất thế giới"
Các máy này đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, chưa đưa ra sử dụng rộng rãi. Theo ông Ishida Tomokazu, các bộ phận trong cơ thể người ở tư thế nằm có cơ chế hoạt động khác với khi cơ thể trong tư thế đứng.
Ví dụ, trong tư thế nằm, các cơn đau ở đầu gối hoặc lưng có thể mất đi nên trạng thái này sẽ không thể hiện trong hình ảnh chụp CT. Nhưng khi đứng, cơ thể vẫn cảm nhận được cảm giác đau nên chụp CT sẽ ghi lại được hình ảnh này. Điều này sẽ giúp các các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc tìm ra những nguyên nhân của các triệu chứng đau để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Tại phòng thí nghiệm ở HICity, Đại học Y khoa Fujita đã giới thiệu nhiều thiết bị mởi đang trong giai đoạn nghiên cứu dành cho việc trị liệu phục hồi chức năng, đo sóng não…
Đại học Y tế Fujita đang điều hành một phòng thí nghiệm hợp tác với Rohto Pharmaceutical, nơi họ đang thúc đẩy nghiên cứu về y học tái tạo.
Tiến sỹ Shigeto Shimmura, Trưởng phòng nghiên cứu y học tái tạo lâm sàng tại Trung tâm y tế đa khoa Haneda của Đại học Y khoa Fujita cho biết: “Bệnh nhân của chúng tôi chủ yếu đến từ châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Tại đây, chúng tôi nghiên cứu và phát triển các phương pháp và thiết bị trị liệu phục hồi chức năng, giải phẫu thẩm mỹ… Chúng tôi đang thực hiện nghiên cứu ở địa điểm này với quan điểm là chúng tôi muốn cung cấp nghiên cứu và phương pháp điều trị của mình cho thế giới, không chỉ ở Nhật Bản.”
Robot phục vụ nhà hàng
Một trong những đổi mới khác thu hút sự chú ý tại Thành phố Đổi mới Haneda là nhà hàng AI_Scape, một nhà hàng nơi robot đảm nhận vai trò đầu bếp và bồi bàn.
Với khoảng 1.500 yen, thực khách tại AI_Scape có thể đặt một bữa ăn đơn giản gồm món chính là cà ri hoặc nước sốt thịt kiểu bolognese được chế biến và phục vụ bởi robot từ bộ phận robot của Kawasaki Heavy Industries, nhà sản xuất robot lâu đời nhất Nhật Bản.
Đơn đặt hàng được đặt thông qua mã QR tại bàn và thực khách có thể thấy robot bắt đầu chuẩn bị bữa ăn và cuối cùng phục vụ chúng trên khay đặt tại bàn.
Cơ sở này ban đầu được thiết kế làm không gian thử nghiệm và phát triển cho robot bồi bàn đầu tiên của nhà hàng - một robot tên Nyokkey được phát triển để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngành dịch vụ của Nhật Bản.
Các cuộc thử nghiệm trình diễn được tiến hành với mục tiêu để robot thực hiện mọi hoạt động của nhà hàng - từ nấu nướng đến phục vụ - mà không cần sự can thiệp của con người. Robot được thiết kế để thu thập dữ liệu về thời gian dành cho từng nhiệm vụ và phạm vi chuyển động của robot cũng như các thông tin cần thiết khác để triển khai trong thực tế.
Tại nhà hàng có 5 robot, trong đó có 1 robot bồi bàn Nyokkey, 3 robot nấu bếp và 1 robot đóng vai trò nhận đồ ăn từ các robot nấu bếp để chuyển cho robot chạy bàn. Sau khi phân tích thông tin đồ ăn mà khách đặt, 3 robot trong bếp sẽ lần lượt chế biến các món ăn và đặt lên robot vận chuyển trong bếp.
Sau khi toàn bộ đồ ăn theo yêu cầu đã được hoàn tất, robot vận chuyển sẽ chuyển cho robot bồi bàn. Robot bồi bàn Nyokkey sẽ đưa món ăn đến tận bàn. Toàn bộ quá trình kể từ lúc robot nhận yêu cầu đặt món đến lúc món ăn được đặt trên bàn khách là mất khoảng 6 phút.
Tại nhà hàng, đồ nội thất “thân thiện với robot” cũng được sử dụng để giúp robot phục vụ bàn một cách dễ dàng. Nói cách khác, đây chính là một không gian được thiết kế để giới thiệu một xã hội tương lai nơi con người và robot cùng tồn tại.
Theo Dự án Haneda Kyoso, Kawasaki cam kết hợp tác với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp cũng như chính quyền trung ương và địa phương để giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy chuyển đổi xã hội và hiện thực hóa các sáng kiến như “Thành phố sân bay thông minh, ““Tính trung hòa carbon” và “Tái sinh khu vực.”
Thông qua Phòng thí nghiệm mới này tại Sân bay Haneda, cửa ngõ du lịch cho Khu vực Thủ đô Tokyo, Kawasaki có kế hoạch thúc đẩy các sáng kiến đổi mới xã hội của mình, nhằm thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ các nỗ lực tiết kiệm lao động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất khác đang gặp phải tình trạng thiếu lao động.
Xe buýt tự lái
Với mục tiêu là nơi thử nghiệm để giải quyết các vấn đề xã hội thông qua việc sử dụng các công nghệ mới nhất, HICity giới thiệu hoạt động của những chiếc xe bus tự lái lưu thông trong thành phố thông minh.
Trước đó, năm 2020, Haneda Future Development đã hợp tác với một số công ty để triển khai xe buýt tự lái thường xuyên tại HICity, lần triển khai đầu tiên loại hình này tại một thành phố thông minh ở Nhật Bản.
Theo Boldly Inc., nhà phát triển dịch vụ di chuyển bền vững đang hợp tác với Haneda Future Development để phát triển giao thông tự hành, cho đến nay, khoảng 16.000 hành khách đã đi trên xe buýt tự lái tại HICity.
Xe buýt đưa đón loại nhỏ nhất Nouya, chở được 11 khách, với tốc độ tối đa 20km/h được giới hạn trong khuôn viên thành phố thông minh, đã hoạt động được 3 năm, di chuyển với quãng đường dài 5.600km.
Du khách đến HICity cũng sẽ có thể nhìn thấy hai mẫu xe buýt tự hành mới, trong đó có một chiếc nhỏ tên là Auvetech chở được 8 người, di chuyển với tốc độ 20km/h và một chiếc xe buýt tự lái lớn hơn với tốc độ tối đa 35 km/h, chở được 30 người.
Dự kiến, xe buýt Auvetech sẽ đi vào hoạt động chính thức từ tháng 12/2023 trong khi xe lớn hơn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Điều khác biệt của xe buýt Auvetech so với xe Nouya là Auvetech có khả năng đi vòng tránh vật cản, khác với Nouya hiện nay chỉ dừng khi gặp vật cản.
Đối với loại xe buýt tự hành lớn nhất đang trong giai đoạn thử nghiệm, các nhà phát triển dự kiến loại xe này khi đưa vào sử dụng, với 6 chiếc phục vụ hai chiều đi về, sẽ là một phương tiện đưa đón giữa HICity và nhà ga quốc tế của Sân bay Haneda.
Đại diện đơn vị phát triển xe buýt tự hành cho biết: “Mỗi xe buýt đưa đón có thể nhìn thấy hoàn cảnh xung quanh thông qua các cảm biến, nhận dạng hình dạng và học hỏi dựa trên lộ trình định sẵn.
Những chiếc xe buýt này sẽ chỉ đi theo một tuyến đường định trước, với tốc độ định trước, theo các cài đặt định trước. Chiếc xe buýt này có thể phát hiện tín hiệu giao thông và phân biệt đèn xanh hoặc đèn đỏ. Nếu có bất cứ vật cản gì trên đường, chẳng hạn như một chiếc ô tô đang đỗ, xe buýt có thể tự động tránh vật cản.”
Xe buýt là một phần của sáng kiến di chuyển thông minh nhằm giải quyết những thách thức về giao thông do dân số già của Nhật Bản và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.
Theo đại diện của đơn vị phát triển xe buýt tự hành tại Haneda: “Ở Nhật Bản, số lượng người làm nghề lái xe đang giảm dần. Trong khi đó, người già không thể tự lái xe được. Họ cần phương tiện giao thông công cộng nên chúng tôi hy vọng những chiếc xe buýt cầm lái như thế này có thể giúp giải quyết vấn đề này.”
Giới chức Nhật Bản hy vọng xe buýt tự hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như thiếu tài xế trong giao thông công cộng. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đang nỗ lực phát triển xã hội các phương tiện lái xe tiện ích với ưu tiên hàng đầu là an toàn.
Các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn thường nằm ở ngoại ô trung tâm Tokyo hoặc xa hơn ở khu vực Tokyo rộng lớn hơn. Việc tham quan những địa điểm như vậy có thể là một thách thức đối với những du khách đi công tác bận rộn, nhưng vị trí của HICity khiến việc này trở nên dễ dàng hơn.
Atsushi Kato, đại diện của dự án cho biết: “Với vị trí ngay cạnh Sân bay Haneda, đã có nhiều công ty đang nghĩ đến việc đặt trụ sở tại đây. Điều này đúng không chỉ ở Nhật Bản mà còn với các quốc gia khác. HICity có thể là trung tâm của thế giới, của Tokyo và Nhật Bản, điều mà chỉ khu phức hợp của chúng tôi mới có thể cung cấp nhờ vị trí đắc địa”./.