Hàn-Trung trao đổi kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19

Hàn Quốc cho biết các nhà sản xuất ôtô của nước này có thể nhanh chóng nối lại sản xuất tại Trung Quốc là nhờ những nỗ lực chung của hai nước để duy trì chuỗi cung ứng.
Các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về nguồn cung phụ tùng như dây đeo an toàn, vô lăng và túi khí. (Nguồn: Hyundai Motor)

Ngày 17/4, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế nảy sinh từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn để thảo luận về cách thức mở rộng mối quan hệ kinh tế trong môi trường kinh doanh đầy thách thức gây ra bởi đại dịch.

Trong cuộc họp, Hàn Quốc cho biết các nhà sản xuất ôtô của nước này có thể nhanh chóng nối lại sản xuất tại Trung Quốc là nhờ những nỗ lực chung của hai nước để duy trì chuỗi cung ứng.

[Uy tín và vị thế của Hàn Quốc gia tăng sau nỗ lực chống COVID-19]

Các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về nguồn cung phụ tùng như dây đeo an toàn, vô lăng và túi khí.

Ông Sung nhấn mạnh bằng cách phối hợp chặt chẽ, hai bên có thể giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Seoul cũng yêu cầu Bắc Kinh xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, cho phép các nhân sự của các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc có thể đi và đến kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc gặp này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định cam kết phối hợp để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 trong Hội nghị Cấp cao trực tuyến đặc biệt ASEAN+3 ngày 14/4 do Việt Nam chủ trì.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, chiếm 25% tổng đơn hàng xuất khẩu năm 2019 của Hàn Quốc.

Seoul và Bắc Kinh cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quan trọng trong năm nay để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kinh doanh.

ASEAN và các nước đối tác đối thoại - Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand - đã đạt được thỏa thuận về RCEP vào tháng 11 năm ngoái, với mục tiêu ký kết hiệp định này trong năm nay.

Cũng trong ngày 17/4, Hàn Quốc công bố báo cáo việc làm tháng 3/2020 phản ánh rõ thị trường lao động nước này bắt đầu chịu tác động của đại dịch.

Trong tháng qua, thị trường Hàn Quốc giảm 195.000 việc làm, mức giảm hàng tháng cao nhất kể từ tháng 5/2009.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng Ba giảm 0,1 điểm%  nhưng số người có việc làm giảm xuống mức 26,6 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng này, tỷ lệ người lao động từ 15 đến 29 tuổi tại Hàn Quốc có việc làm cũng giảm 0,8 điểm % xuống mức 65,4%.

Các lao động công nhật và tạm thời là những người chịu tác động mạnh nhất. Số lao động tạm thời giảm 420.000 người trong tháng Ba.

Đây được cho là những tác động đầu tiên của dịch COVID-19 với thị trường việc làm Hàn Quốc khi các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan khiến tiêu dùng giảm, các doanh nghiệp không thể hoạt động.

Giới quan sát nhận định nửa cuối năm 2020, các tác động của dịch bệnh tới thị trường việc làm Hàn Quốc sẽ được thể hiện rõ hơn.

Trong khi đó, số liệu chính thức công bố ngày 17/4 chỉ ra quý I/2020, nền kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi các nhà máy, cửa hàng và các hãng lữ hành đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ những năm 1970, trước khi quốc gia này bắt đầu cải cách kinh tế theo định hướng thị trường vào năm 1979.

Một số chuyên gia, trước đó dự đoán nền kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục ngay trong tháng này, cũng phải hạ dự báo tốc độ tăng trưởng và lùi thời điểm dự báo kinh tế nước này sẽ hồi phục vì giao thương, bán lẻ không mấy lạc quan.

Chuyên gia Louis Kuijs cho rằng tiêu dùng trong nước và nhu cầu nước ngoài vẫn còn yếu là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục và phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn ước tính ban đầu.

Chuyên gia này dự đoán sớm nhất là phải tới quý 4/2020 kinh tế Trung Quốc mới đạt tới mức tăng trưởng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hãng như UBS, Nomura và Oxford Economics dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ không tăng trưởng trong cả năm 2020./.
  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục