Cho Min-kyong tự hào có bằng kỹ sư từ một trong những trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc, giải thưởng thiết kế cấp trường và số điểm gần như hoàn hảo trong bài kiểm tra trình độ tiếng Anh.
Tuy vậy, cô đã phải từ bỏ hoàn toàn hy vọng tìm được việc làm khi cả 10 hồ sơ xin việc của cô, trong đó có một hồ sơ gửi tới công ty Hyundai Motor, đều bị từ chối vào năm 2016.
Bế tắc khi tìm việc trong nước, Cho đã nhận được tin vui từ đất nước Nhật Bản láng giềng sau đó 6 tháng. Cho Min-kyong nhận được lời mời làm việc từ công ty Nissan Motor và hai công ty Nhật Bản khác sau hội chợ việc làm do chính phủ Hàn Quốc tổ chức nhằm giới thiệu lao động lành nghề của nước này với các chủ lao động ở nước ngoài.
"Không phải là tôi không đủ giỏi giang. Chỉ là vì có quá nhiều người tìm việc như tôi, đó là lý do tại sao mọi người đều thất bại" - đó là chia sẻ của Cho, 27 tuổi, hiện làm kỹ sư về ghế xe hơi cho Nissan ở thành phố Atsugi, cách Tokyo 1 giờ di chuyển về hướng Tây Nam. "Bên ngoài Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều cơ hội nữa."
Đối mặt với cuộc khủng hoảng công ăn việc làm chưa từng có ở quê nhà, nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện đang đăng ký tham gia các chương trình do chính phủ tài trợ được thiết kế nhằm tìm kiếm công việc ở nước ngoài cho những sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học với số lượng ngày càng lớn ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.
Các chương trình do nhà nước tổ chức, chẳng hạn như K-move, được triển khai nhằm kết nối giới trẻ Hàn Quốc với "công ăn việc làm chất lượng" ở 70 quốc gia, đã tìm được việc làm ở nước ngoài cho 5.783 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2018, tức là nhiều gấp ba lần so với năm 2013, năm đầu tiên triển khai.
Gần 1/3 trong số này đã đến Nhật Bản, nơi đang trải qua tình trạng thiếu lao động lịch sử với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 26 năm qua; trong khi đó 1/4 số này đã đến Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ vào tháng 4/2019.
Không hề có bất kỳ sự ràng buộc nào. Không giống như các chương trình tương tự ở những nơi như Singapore, trong đó người tìm việc có nghĩa vụ trở lại và làm việc cho chính phủ trong thời gian lên tới 6 năm, những người tham dự các chương trình của Hàn Quốc không bắt buộc phải quay về nước hay làm việc cho nhà nước trong tương lai.
"Chảy máu chất xám không phải là nỗi lo trước mắt của chính phủ. Thay vào đó, việc ngăn không cho họ rơi vào cảnh nghèo đói là việc cấp bách hơn", ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc đẩy họ ra nước ngoài, Kim Chul-ju, phó trưởng khoa tại Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết.
Năm 2018, Hàn Quốc chỉ tạo ra được 97.000 việc làm, con số nhỏ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Gần 1/5 thanh niên Hàn Quốc đã nghỉ việc vào năm 2013, cao hơn mức trung bình 16% của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Vào tháng 3, cứ 4 người Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 thì có 1 người không được tuyển dụng do sự lựa chọn hoặc do thiếu việc làm, theo dữ liệu của chính phủ.
Trong khi Ấn Độ và các quốc gia khác đang phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động lành nghề, thì sự thống trị của các tập đoàn do gia đình điều hành, được gọi là chaebol, khiến Hàn Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương.
10 tập đoàn hàng đầu bao gồm các thương hiệu đẳng cấp thế giới như Samsung và Hyundai, chiếm một nửa tổng vốn hóa thị trường của Hàn Quốc. Nhưng chỉ có 13% lực lượng lao động của nước này được tuyển dụng bởi các công ty có hơn 250 nhân viên, chỉ cao hơn tỷ lệ của Hy Lạp trong OECD, và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của Nhật Bản.
Kim So-young, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Các công ty lớn đã làm chủ một mô hình kinh doanh giúp họ tồn tại mà không cần tăng cường tuyển dụng," khi chi phí lao động gia tăng và việc sa thải các nhân viên lâu năm vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, trong khi ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra nước ngoài làm việc, Hàn Quốc lại đang đưa thêm người nước ngoài vào để giải quyết một vấn đề lao động khác: sự thiếu hụt trầm trọng công nhân "cổ xanh."
Thanh niên Hàn Quốc có trình độ học vấn cao nhất so với thanh niên các nước trong OECD, với 3/4 số học sinh trung học học lên đại học, so với tỷ lệ trung bình là 44,5%.
Ban Ga-woon, một nhà nghiên cứu thị trường lao động tại Viện nghiên cứu giáo dục và đào tạo nghề Hàn Quốc, một đơn vị nhà nước, cho biết: "Hàn Quốc đang phải trả giá cho việc bảo vệ quá mức những công việc ở hàng 'top' và sự nhiệt tình trong giáo dục dẫn tới một làn sóng những người chỉ muốn làm số ít công việc hàng đầu đó."
Ngay cả khi có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp được giáo dục quá mức và thiếu việc làm, hầu hết họ đều từ chối những công việc phải "động tay động chân," theo lời Lim Chae-wook, người quản lý một nhà máy sản xuất máng cáp hiện sử dụng 90 lao động ở Ansan, phía Tây Nam Seoul.
"Nhân công địa phương không muốn làm việc này đơn giản vì họ cho rằng việc này hạ cấp, do vậy chúng tôi buộc phải thuê rất nhiều lao động nước ngoài," Lim nói và chỉ tay về phía gần 20 lao động đến từ Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đang đeo mặt nạ an toàn và làm việc đằng sau những chiếc máy hàn.
Tại thành phố Gwangju phía Tây Nam, Kim Yong-gu, giám đốc điều hành Hyundai Hitech, một nhà cung cấp của Kia Motor, cho biết công nhân nước ngoài tiêu tốn nhiều chi phí hơn, nhưng ông không có lựa chọn nào khác vì không thể tìm đủ nhân công địa phương để lấp vào chỗ trống.
Kim nói: "Chúng tôi trả tiền ăn ở và các chi phí tiện ích khác để giữ chân họ, không để họ tìm đến các nhà máy khác."
Trong số 70 nhân viên, có 13 người là công dân Indonesia; những người này ăn ngủ tại một tòa nhà được xây dựng ngay bên cạnh nhà máy.
Không phải ai cũng có cái kết hạnh phúc
Cuộc sống của những người thoát khỏi thị trường việc làm khó khăn của Hàn Quốc cũng chẳng hề dễ dàng.
Một số người tìm được việc làm ở nước ngoài với sự giúp đỡ của chính phủ cho biết rốt cuộc họ lại phải làm những việc vặt, chẳng hạn như rửa bát ở Đài Loan hay chế biến thịt ở vùng nông thôn Australia, hoặc nhận được thông tin sai về mức lương và các điều kiện làm việc.
Lee Sun-hyung, 30 tuổi, từng học chuyên ngành thể thao, đã thông qua K-move để đến Sydney làm huấn luyện viên bơi lội vào năm 2017, nhưng chỉ kiếm được chưa đầy 600 AUD (tương đương 419 USD) một tháng, tức là bằng 1/3 những gì người môi giới của chính phủ đã nói với cô ở Seoul.
"Đó không phải là điều tôi đã hy vọng. Tôi thậm chí không đủ khả năng trả tiền thuê nhà," Lee chia sẻ. Rốt cuộc cô đã phải làm công việc lau cửa sổ bán thời gian tại một cửa hàng thời trang trước khi trở về nhà trong tình trạng không xu dính túi chưa đầy một năm sau đó.
Các quan chức cho biết họ đang lập một "danh sách đen" các nhà tuyển dụng và cải thiện quy trình kiểm tra để ngăn chặn những trường hợp như vậy tái diễn. Bộ Lao động cũng đã thành lập một "trung tâm hỗ trợ và báo cáo" để phản ứng tốt hơn trước các vấn đề.
Nhiều người tham gia chương trình đã mất liên lạc khi ra nước ngoài. Gần 90% sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài với sự giúp đỡ của chính phủ trong giai đoạn 2013-2016 đã không phản hồi cho Bộ Lao động về nơi ở của họ hay việc thay đổi thông tin liên lạc của họ, theo một cuộc khảo sát năm 2017.
Tuy vậy, thị trường việc làm ảm đạm trong nước đang khiến ngày càng nhiều người Hàn Quốc tìm đến chương trình này mỗi năm. Chính phủ cũng đã tăng ngân sách liên quan nhằm hỗ trợ nhu cầu gia tăng - từ 57,4 tỷ won (48,9 triệu USD) vào năm 2015 lên 76,8 tỷ won vào năm 2018, theo dữ liệu do nhà lập pháp Kim Jung-hoon cung cấp.
"Chính phủ không mở rộng dự án này đến mức phải lo lắng về việc chảy máu chất xám," Huh Chang, người đứng đầu văn phòng tài chính phát triển tại Bộ Tài chính Hàn Quốc, nhà đồng quản lý các chương trình đào tạo nghề của nhà nước với Bộ Lao động.
Huh nói thêm rằng thay vào đó, trọng tâm là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động có kinh nghiệm ở nước ngoài trong bối cảnh có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp nằm ngoài lực lượng lao động.
Có một kịch bản đầy hy vọng, đó là một ngày nào đó, nền kinh tế sẽ tận dụng được nguồn lực mà những sinh viên tốt nghiệp này mang theo khi trở về nước với tư cách những lao động có kinh nghiệm, Huh nói.
Đối với cựu sinh viên 28 tuổi Lee Jae-young tham gia chương trình K-move, đó có vẻ là một viễn cảnh xa vời.
"Một năm ở nước ngoài đã giúp tôi viết thêm vào sơ yếu lý lịch của mình một dòng chữ, nhưng tất cả chỉ có vậy," Lee, người đã trở về Hàn Quốc vào tháng 2/2019 sau khi làm đầu bếp tại khách sạn JW Marriott ở Texas, chia sẻ. "Tôi đã trở về, và vẫn đang tìm việc"./.