Hàn Quốc: Việt Nam đảm đương hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN

Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, ông Lee Hyuk, tin tưởng rằng ASEAN - dưới sự dẫn dắt của Việt Nam - sẽ một lần nữa nổi lên mạnh mẽ hơn từ những khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc Lee Hyuk. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc Lee Hyuk. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ông Lee Hyuk, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định rằng Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong số các quốc gia thành viên ASEAN.

Theo ông Lee Hyuk, quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua về mọi mặt. Kim ngạch thương mại song phương đạt 70 tỷ USD vào năm ngoái.

Vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Trao đổi kinh tế đã dẫn đến sự tăng cường giao lưu nhân dân. Ước tính, khoảng 4 triệu người Hàn Quốc đã đến Việt Nam vào năm 2019 và hơn 180.000 người Hàn Quốc hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, cũng bằng với số người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với Việt Nam chiếm gần 40% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với toàn khối ASEAN.

Theo Tổng Thư ký Lee Hyuk, một trong những lý do đằng sau sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương là sự giao lưu thường xuyên giữa người dân hai nước.

Mặc dù giao lưu nhân dân và các cuộc gặp gỡ trực tiếp đã trở nên rất khó khăn bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song cả hai nước đang nỗ lực hết sức để chống lại dịch bệnh này.

Ông nhấn mạnh Hàn Quốc và Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là hai trong số các quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn nhiều quốc gia khác.

Chính phủ Việt Nam hiện đang cho phép các doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam để duy trì dòng chảy trao đổi kinh tế mạnh mẽ bất chấp đại dịch.

Điều này có thể được mở rộng hơn nữa để tạo "hành lang đi lại" tự do giữa các thành phố của Việt Nam và Hàn Quốc có mức độ rủi ro lây nhiễm thấp.

Những nỗ lực như vậy không chỉ giúp ích cho ngành du lịch mà còn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chặt chẽ và không thể tách rời giữa hai nước.

Theo dự báo, bối cảnh kinh tế sau đại dịch COVID-19 sẽ khác hoàn toàn so với trước đây. Do đó, ông tin rằng Việt Nam và Hàn Quốc nên thăm dò các cách thức để tạo điều kiện cho sự hợp tác và trao đổi trong các lĩnh vực rộng lớn giữa hai nước trong thời kỳ hậu COVID-19.

Về vai trò của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN vượt qua các thách thức hiện nay, Tổng Thư ký Lee Hyuk đánh giá cao Việt Nam đảm đương hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN trong việc củng cố sự thống nhất trong ASEAN, và cùng hợp tác với các quốc gia thành viên chống lại dịch COVID-19.

[Đại sứ Indonesia tại ASEAN đề cao khả năng lãnh đạo của Việt Nam]

Ông nêu rõ, từ đầu năm nay, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy một ASEAN gắn kết và nhạy bén. Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết trong ASEAN kể từ khi dịch bệnh bùng phát để vừa vượt qua khủng hoảng y tế, vừa khôi phục nền kinh tế.

Tháng trước, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, trong đó các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định sự quyết tâm, ý chí chính trị và sự đoàn kết mạnh mẽ để vượt qua khó khăn.

Theo ông, một trong những nhiệm vụ lớn nhất mà ASEAN và thế giới phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để giảm thiểu các tác động kinh tế, xã hội do dịch COVID-19.

Theo ông, công tác truyền thông, sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia nhằm giảm thiểu sự gián đoạn hoạt động thương mại, ngăn chặn các biện pháp bảo hộ và chia sẻ thông tin đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng.

Việc tạo điều kiện cho dòng chảy hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế và lương thực-thực phẩm là rất quan trọng để giúp nền kinh tế của các quốc gia dễ bị tổn thương không bị rơi tự do.

Ông Lee Hyuk nhấn mạnh ASEAN có nhiều kinh nghiệm hợp tác để vượt qua khủng hoảng.

Năm 1997, khi khu vực phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) đã cùng nhau tạo ra khuôn khổ hợp tác ASEAN+3.

Ông tin tưởng rằng ASEAN, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, sẽ một lần nữa nổi lên mạnh mẽ hơn từ những khó khăn ngày hôm nay.

Việt Nam có điều kiện tốt để dẫn dắt những nỗ lực này, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực trong thời kỳ hậu COVID-19.

Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dưới sự dẫn dắt của Việt Nam sẽ là một thành tựu quan trọng.

Ông Lee Hyuk khẳng định rằng những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường chủ nghĩa đa phương trong khu vực thông qua các nền tảng do ASEAN tạo ra sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục