Quân đội Hàn Quốc ngày 16/3 thông báo công tác đánh giá các tác động về môi trường tại một sân golf ở Seongju, được dùng làm nơi bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, đã được bắt đầu trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch.
Trước đó, tháng 12/2016, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chỉ định một công ty thực hiện công việc trên.
Tháng Hai vừa qua, công ty này đã bắt đầu việc đánh giá xem việc bố trí THAAD sẽ gây ra tác động nào đến môi trường, đến hoạt động nông nghiệp cũng như sức khỏe của cư dân gần đó.
Một quan chức Bộ trên cho biết trong bối cảnh Triều Tiên đang nhanh chóng cải thiện các năng lực hạt nhân và tên lửa của mình, Seoul và Washington đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hoàn tất việc triển khai THAAD trong thời gian sớm nhất.
Hai bệ phóng di động của hệ thống THAAD cùng một số thiết bị khác đã được vận chuyển từ Mỹ đến căn cứ Không quân Osan tại Pyeongtaek từ tuần trước, sớm hơn dự kiến.
Tháng 11 năm ngoái, Các lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc hy vọng kế hoạch triển khai THAAD sẽ được hoàn tất trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám tới.
Với những động thái thúc đẩy, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho hãng tin Yonhap biết rằng việc triển khai THAAD có thể hoàn tất trong 1-2 tháng tới, và hệ thống này có thể hoạt động sớm nhất là vào tháng Tư.
Các nỗ lực trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày 12/2 phóng 4 quả tên lửa đạn đạo, trong đó 3 quả rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, chỉ một tháng sau khi phóng một quả tên lửa đạn đạo.
Đây là những cuộc phóng thử mới nhất sau khi Triều Tiên đã phóng hơn 20 quả tên lửa và tiến hành 2 vụ thử hạt nhân trong năm 2016, bất chấp các lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000km ở độ cao 40-150km.
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar và hệ thống kiểm soát. Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa Triều Tiên, Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình và áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa Hàn Quốc kể từ khi thỏa thuận triển khai THAAD được ký kết.
Giới chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hàn Quốc có thể sụt giảm 0,5% nếu Trung Quốc tiếp tục các biện pháp tấn công kinh tế.
Trong một diễn biến khác, việc đẩy nhanh kế hoạch bố trí THAAD đã vấp phải một số phản đối bên trong Hàn Quốc.
Nghị sỹ Woo Sang-ho của đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất - ngày 16/3 cho rằng Seoul nên hoãn lại triển khai THAAD cho đến khi đạt được sự đồng thuận của Trung Quốc và Nga.
Ông Woo khẳng định không phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ trên, song cho rằng cần thận trọng vì vấn đề này đang gây tranh cãi. Ông đề nghị để cho chính phủ mới quyết định có nên triển khai THAAD hay không và đảm bảo rằng vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước láng giềng.
Cùng ngày, chuyên gia về an ninh quốc gia tại Viện nghiên cứu Sejong, ông Hong Hyun-ik kêu gọi chính phủ cân nhắc tạm ngừng việc triển khai THAAD.
Theo chuyên gia này, cách tốt nhất để chống lại các đe dọa của Triều Tiên là tăng cường hiệp ước phòng thủ Hàn-Mỹ theo hướng đảm bảo rằng đồng minh của Hàn Quốc sẽ phản ứng "ngay lập tức và tự động" bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra khiêu khích bằng hạt nhân./.