Sự gia tăng quá nhanh về số lượng các trường đại học đã dẫn đến tình trạng “bong bóng giáo dục,” chương trình học nặng kiến thức với việc đổ xô vào các trường đại học đã dẫn đến tình trạng học sinh phổ thông quá áp lực với điểm số và học thêm tràn lan…
Đó là những vấn đề của giáo dục Hàn Quốc được nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn quốc, giáo sư, tiến sỹ Ju-Ho Lee, chia sẻ tại Hội thảo Chia sẻ tri thức chính sách phát triển giáo dục đại học, bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Malaysia.
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức sáng nay, ngày 16/10, tại Hà Nội.
“Bong bóng giáo dục”
Giáo sư, tiến sỹ Ju-Ho Lee đã không ngần ngại nói về những thách thức mà Hàn Quốc đã gặp phải trong giáo dục.
Theo ông Ju-Ho Lee, Hàn Quốc hiện là nước có số năm đi học trung bình của người dân (độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi) là 13 năm, đứng thứ hai trên thế giới; thuộc nhóm các nước có điểm trung bình trắc nghiệm PISA về đọc, toán và khoa học thuộc nhóm cao trên thế giới.
Hàn Quốc cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới về đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đứng thứ nhất về số nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân. Số tiền nhà nước đầu tư cho giáo dục chiếm 4,5%GDP, các gia đình chi cho giáo dục chiếm 2%GDP.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ju-Ho Lee, điều đó không làm cho Hàn Quốc nổi bật trên bản đồ giáo dục quốc tế khi vẫn bị xếp hạng thấp trong nhóm các trường đại học làm công tác nghiên cứu và còn tụt hậu rất xa so với các trường đại học nghiên cứu như ở Mỹ.
Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục tăng đều đặn nhưng theo ông Ju-Ho Lee, điều đó lại không dẫn đến tăng nguồn vốn con người, thậm chí đất nước này phải đối mặt với tình trạng “bong bóng giáo dục.”
Hàn Quốc có hơn 300 trường đại học cao đẳng nhưng có sự chênh lệch rất lớn về chất lượng khi trường tuyển đầu vào với 96 điểm, trường tuyển đầu vào chỉ với 31 điểm, số lượng sinh viên ở các trường chất lượng thấp tăng nhanh. Sinh viên học xong không tìm được việc làm hoặc làm việc với lương thấp và họ lại tiếp tục học lên.
Năm 2010, tỷ lệ sinh viên học tiếp sau đại học là trên 80%, tỷ lệ học tiếp sau học nghề là trên 70%. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có lương thấp hơn lương học sinh tốt nghiệp trung học tăng đều đặn đến mức làm cho giá trị tấm bằng đại học ngày càng ít giá trị.
Tuy nhiên, với tâm lý thích bằng cấp, người dân vẫn đổ xô vào đại học. Cách đánh giá lượng hóa cùng việc học sinh chỉ chăm chăm vào đại học đã dẫn đến những cuộc cạnh tranh điểm học tập ở bậc phổ thông. Trong khi đó, kỹ năng sống, kiến thức thực tế bị bỏ quên, học sinh dành thời gian học quá nhiều, cả học ở nhà và học thêm, nhưng chỉ là học vẹt.
Giáo viên Hàn Quốc nhận lương cao nhưng họ không tự tin khi học trò của mình vẫn phải đi học thêm, còn học trò thì bi quan, không hài lòng vì phải chịu quá nhiều sức ép làm sao đạt điểm số cao. Người dân đầu tư cho giáo dục nhưng con cái họ ra trường thất nghiệp nên sự đầu tư đó trở thành lãng phí.
Cải cách theo hướng đa dạng hóa giáo dục
Trước thực trạng này, năm 2008 Hàn Quốc bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục theo hướng đa dạng hóa với các mục tiêu củng cố phân nhóm theo chất lượng đào tạo, giảm gánh nặng chi phí cho giáo dục tư và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cụ thể, Hàn Quốc tăng cường dạy nghề với các hoạt động như đẩy mạnh các sáng kiến trong trung học dạy nghề, tăng cường công tác hướng nghiệp (tuyển dụng thêm 4.500 giáo viên hướng nghiệp), áp dụng công thức “đi làm trước, lấy bằng sau” với học sinh trung học nghề…
Giáo dục phổ thông chuyển từ nặng kiến thức sang giảng dạy và đánh giá theo hướng phát huy sáng tạo và kỹ năng phát triển nhân cách. Việc tuyển sinh đại học cũng không chỉ trên điểm số mà còn qua phỏng vấn, kiểm tra đánh giá năng lực chuyên biệt, tuyển sinh những người tự học, khôi phục giáo dục nhân cách..
Với giáo dục đại học, theo ông Ju-Ho Lee, số lượng các trường chất lượng thấp tăng đáng kể. Vì thế, vấn đề đặt ra là không thể để trường kém vẫn hoạt động. “Chúng tôi đã quyết định xây dựng khung cơ sở dữ liệu, nhất là thông tin liên quan đến việc làm, mức lương của sinh viên sau khi ra trường và công bố rộng rãi cho người dân. Khi đó, mọi người sẽ biết trường nào khó có việc làm, trường nào lương thấp,” ông Ju-Ho Lee cho biết.
Dựa trên dữ liệu này, Hàn Quốc đã công bố 60 trường trong nhóm hoạt động kém. “Đây là một đòn giáng mạnh vào các trường vì họ sẽ đứng trước nguy cơ không tuyển được sinh viên và phải đóng cửa. Khi làm Bộ trưởng, tôi đã đóng cửa 6 trường đại học, dù đó là những quyết định rất khó khăn và tôi đã phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, báo chí và cả chính quyền các địa phương có trường bị đóng cửa,” ông Ju-Ho Lee chia sẻ.
Cùng với việc “siết” chất lượng các trường đại học, Hàn Quốc đồng thời thực hiện tái cơ cấu các trường đại học, áp dụng tuyển dụng hiệu trưởng thông qua cạnh tranh công khai.
Với những nỗ lực đó, giáo dục Hàn Quốc đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực khi tỷ lệ học sinh học tiếp sau học nghề từ trên 70% năm 2010 hiện xuống còn trên 50%, tỷ lệ học tiếp sau đại học giảm tương tự từ trên 80% xuống còn trên 70%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các bậc học tìm được việc làm có sự dịch chuyển nhẹ.
Trước những chia sẻ của giáo sư, tiến sỹ Ju-Ho Lee, giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho rằng, những thách thức mà Hàn Quốc gặp phải cũng tương tự như các vấn đề đặt ra của giáo dục Việt Nam hiện nay. Vì thế, đây sẽ là bài học kinh nghiệm rất hữu ích cho Việt Nam trong quá trình đổi mới giáo dục đại học./.