Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 7/6 cho biết Hàn Quốc và Nga đã nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT), tài chính và cách mạng công nghiệp thứ 4.
Trong cuộc họp của Ủy ban chung Hàn-Nga về hợp tác kinh tế, khoa học, và công nghệ lần thứ 17 tại thủ đô Seoul, hai nước đã thảo luận hàng loạt vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng Viễn Đông của Nga, cũng như dự án ba bên tiềm năng giữa hai miền Triều Tiên và Nga, trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu.
Trong khuôn khổ Chính sách phương Bắc mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Hàn Quốc và Nga đã thảo luận các cách thức nhằm xây dựng 9 cầu nối giữa hai quốc gia về khí đốt, đường sắt, cảng biển, điện lực, tuyến đường biển Bắc cực, đóng tàu, lao động, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Tại phiên họp mới nhất, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon nêu rõ cần có thêm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai miền Triều Tiên và Nga, bởi điều này sẽ dẫn tới thịnh vượng cho tất cả các bên.
Kể từ năm 1997, Hàn Quốc đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy các đầu tàu tăng trưởng và ổn định an ninh khu vực. Phó Thủ tướng Yuri Trutnev đã dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc họp lần này.
[Hàn Quốc, Nga lên kế hoạch tổ chức họp về hợp tác kinh tế]
Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đang hướng tới việc thiết lập khu vực kinh tế rộng lớn bao trùm Bán đảo Triều Tiên, vùng Viễn Đông Nga tới Đông Bắc Á và khu vực Âu-Á, để từ đó xây dựng cộng đồng kinh tế Âu-Á thông qua sự hợp tác Hàn-Nga.
Các dự án tiềm năng chung bao gồm kết nối đường sắt ở biên giới liên Triều với đường sắt xuyên Siberi, cũng như thiết lập hệ thống điện nối Nga với mạng lưới điện Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Để các dự án tham vọng trên thành hiện thực, sự tham gia của Bình Nhưỡng đóng vai trò quan trọng, do cơ sở hạ tầng nối Hàn Quốc và Nga sẽ phải đi qua Triều Tiên.
Các chính phủ Hàn Quốc tiền nhiệm đã không đạt được nhiều thành công trong các dự án xuyên biên giới với Nga, trong đó có đường ống khí đốt tự nhiên nối vùng Viễn Đông của Nga với bờ biển phía Đông của Bán đảo Triều Tiên, cũng như việc phát triển tổ hợp công nghiệp dọc biên giới Triều-Nga.
Tuy nhiên, không khí hòa dịu trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây làm dấy lên hy vọng có thể thúc đẩy các dự án phát triển ba bên./.