Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/5 tuyên bố, các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ cần phải được tất cả các bên nhìn nhận là chấp nhận được.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-chul cho biết mặc dù Seoul và Washington muốn có một thỏa thuận công bằng và hợp tình hợp lý, nhưng vẫn có những bất đồng quan điểm, ngụ ý rằng Mỹ có thể đã đưa ra đề xuất mới nhưng không được đồng minh Đông Bắc Á này chấp thuận. Người phát ngôn từ chối bình luận về thông tin truyền thông rằng Mỹ đã đưa ra đề xuất mới kêu gọi Seoul gia tăng mức đóng góp lên tới 1,3 tỷ USD.
Các nguồn tin cho hay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 bác bỏ mức tăng 13% chi phí đóng góp của Hàn Quốc so với năm 2019, Washington có thể đã giảm bớt mức chi phí 5 tỷ USD đưa ra ban đầu với Seoul và xem xét phương án thấp hơn. Ông Trump cho rằng Hàn Quốc cần chi trả nhiều hơn cho quốc phòng của mình theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA), vốn hết hạn từ cuối năm ngoái.
[Tổng thống Trump: Hàn Quốc đồng ý trả nhiều hơn chi phí quốc phòng]
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sĩ USFK tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Theo thỏa thuận, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán. Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng 1 vừa qua không thể hóa giải những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA, đã hết hạn cuối năm ngoái./.