Người phụ trách các cuộc đàm phán của Hàn Quốc với Mỹ về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng, Đại sứ Chang Won-sam ngày 12/3 cho biết việc thương lượng nhằm ký lại thỏa thuận trên có nhiều khả năng gặp khó khăn.
Ông Chang Won-sam đưa ra phát biểu trên sau vòng đàm phán đầu tiên hồi tuần trước. Theo ông, cả hai bên đều hiểu rằng các cuộc đàm phán hiện nay cần được dẫn dắt theo cách tăng cường khả năng phòng thủ chung và phát triển hơn nữa mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.
Hai nước có thể sẽ phải tiến hành thêm nhiều vòng đàm phán trước khi đạt được một thỏa thuận mới, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc tăng phần chia sẻ chi phí.
Ngày 7/3 vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên để ký lại thỏa thuận liên quan đến việc chia sẻ chi phí cho khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Vòng đàm phán được tiến hành tại Honolulu, bang Hawaii, Mỹ.
Đàm phán chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề chính là số tiền phải chi, thời hạn của thỏa thuận và việc cải thiện thỏa thuận. Trong 3 ngày đàm phán, hai bên đã thảo luận sơ bộ về những đóng góp mà mỗi bên đã thực hiện đối với sự phát triển của liên minh Hàn-Mỹ, cũng như lập trường của mỗi nước đối với thỏa thuận sắp tới. Thỏa thuận hiện nay, có giá trị trong 5 năm, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Việc chia sẻ chi phí quốc phòng gần đây trở thành chủ đề được quan tâm, nhất là kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn Hàn Quốc chi trả cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trị giá 1 tỷ USD và đã thông báo với chính quyền Seoul về việc này.
Ông Trump cho rằng việc Hàn Quốc chịu phí tổn cho hệ thống phòng thủ trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên là "thích hợp."
Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp đôi khoản chi phí đóng góp này./.