Hàn Quốc và Mỹ tiến hành vòng đàm phán mới chia sẻ chi phí quân sự

Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán thứ 4 về chia sẻ chi phí quân sự ở thủ đô Washington-vấn đề đang gây khúc mắc trong quan hệ giữa hai nước.
Binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Nguồn: Army)

Ngày 3/12, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán thứ 4 về chia sẻ chi phí quân sự duy trì sự hiện diện của Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), trong đó hai nước vẫn bất đồng về khoản chi phí Seoul đóng góp.

Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong 2 ngày 3-4/12 tại Washington (Mỹ). Washington cho đến nay vẫn yêu cầu Seoul tăng khoản đóng góp gấp 5 lần lên gần 5 tỷ USD vào năm tới. Theo thỏa thuận giữa hai bên, năm 2019, Hàn Quốc nhất trí đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó.

Trong một tuyên bố tại London, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm Hàn Quốc "cần chia sẻ gánh nặng chi phí công bằng hơn," nói rõ rằng Washington đang cân nhắc rằng liệu việc duy trì 28.500 binh sĩ Mỹ thuộc USFK ở Hàn Quốc nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc, ông Jeong Eun-bo bác bỏ thông tin báo giới quay quanh việc hai bên thảo luận về Mỹ giảm số quân tại nước đồng minh châu Á này. Ông khẳng định mọi thứ sẽ tốt đẹp. 

[Hàn Quốc tin tưởng đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ]

Tháng trước, nhật báo Chosun Ilbo tiếng Hàn Quốc đưa tin Mỹ đang xem xét rút 1 binh đoàn khỏi Hàn Quốc trong trường hợp Seoul từ chối yêu cầu của Washington trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự. Lầu Năm Góc cũng đã bác bỏ thông tin này, khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không có thực.

Trước đó, vòng đàm phán thứ 3 giữa Mỹ và Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quân sự cho USFK tại Seoul vào tháng 11 vừa qua, đã không đạt được tiến triển. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Washington duy trì quan điểm rằng tỷ lệ chi phí quân sự nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới (trong thỏa thuận chia sẻ chi phí), trong khi Seoul giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mà Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí trong 28 năm qua.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục