Hàn Quốc và Mỹ tiến hành đối thoại định kỳ về quốc phòng

Phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ đánh giá tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục phóng các vật thể bay tầm ngắn, trong đó có tên lửa đạn đạo.
Hàn Quốc và Mỹ tiến hành đối thoại định kỳ về quốc phòng ảnh 1(Nguồn: Almanar)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo ngày 26/9, nước này và Mỹ đã bắt đầu cuộc hội đàm quốc phòng định kỳ một năm 2 lần để thảo luận về an ninh khu vực và các vấn đề liên quan đến quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Đối thoại Quốc phòng chung Hàn-Mỹ (KIDD) lần thứ 16, được tổ chức tại Seoul đến hết ngày 27/9, vào thời điểm hai đồng minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm, như việc Hàn Quốc chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản cũng như các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc chia sẻ chi phí cho binh sỹ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Quốc phòng Chung Suk-hwan đại diện cho phía Hàn Quốc, trong khi Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á Heino Klinck dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị này.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh tổng thể của hai nước, trong đó có hợp tác phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài, việc chuyển giao Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) có điều kiện và những cách thức làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh trong tương lai."

[Mỹ-Hàn khẳng định quan hệ đồng minh vẫn là cốt lõi hòa bình khu vực]

Theo thông báo, hai bên cũng dự kiến sẽ đánh giá tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục phóng các vật thể bay tầm ngắn, trong đó có tên lửa đạn đạo.

Tính từ đầu năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 10 vụ thử vũ khí chính và vụ gần đây nhất diễn ra đầu tháng 9 này.

Ngoài ra, hai bên cũng dự kiến bàn về Hiệp định an ninh thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.

Tháng trước, Hàn Quốc tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp định này, sau khi Nhật Bản áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc - động thái mà Seoul cho là nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc rút lại quyết định trên vì GSOMIA được xem là nền tảng để thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố có thể cân nhắc lại quyết định này nếu Nhật Bản rút lại những hạn chế xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục