Hàn Quốc và Mỹ còn bất đồng trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự

Việc không hóa giải được những khác biệt trên đã làm gia tăng thêm các quan ngại cho rằng hàng nghìn nhân viên Hàn Quốc làm việc tại USFK có thể bị buộc nghỉ việc không lương bắt đầu từ tháng 4 tới.
Hàn Quốc và Mỹ còn bất đồng trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự ảnh 1Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung tại Pohang (Hàn Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết còn tồn tại nhiều bất đồng giữa Seoul và Washington trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự dành cho Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) sau khi hai bên kết thúc 3 ngày thương lượng khó khăn ở thành phố Los Angeles (Mỹ).

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Hai bên vẫn có nhiều bất đồng về quan điểm, song đã nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ không đạt được thỏa thuận mới, và góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ cũng như hoạt động phòng thủ chung thông qua việc sớm ký một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được.”

Việc không hóa giải được những khác biệt trên đã làm gia tăng thêm các quan ngại cho rằng hàng nghìn nhân viên Hàn Quốc làm việc tại USFK có thể bị buộc nghỉ việc không lương bắt đầu từ tháng 4 tới.

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo và người đồng cấp Mỹ James DeHart đã tổ chức các cuộc đàm phán từ ngày 17-19/3 nhằm đạt được Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) mới.

[Hàn Quốc hy vọng đạt thỏa thuận về chi phí quân sự với Mỹ]

Thời gian đàm phán kéo dài thêm 1 ngày so với kế hoạch ban đầu đã làm dấy lên hy vọng về việc cả hai bên mong muốn sớm đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này, đặc biệt trong bối cảnh khoảng 9.000 nhân viên Hàn Quốc làm việc trong USFK đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc không lương nếu hai nước không đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, các nỗ lực đàm phán một lần nữa không thành công khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các quan điểm khác biệt xung quanh vấn đề trả lương cho hàng nghìn nhân viên Hàn Quốc nói trên có thể tác động tiêu cực tới việc đi đến thống nhất về thỏa thuận SMA mới.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần.

Theo thỏa thuận này, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán.

Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra tại Washington hồi tháng 1 vừa qua không hóa giải được những bất đồng trong một số điểm then chốt, như mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn SMA, đã hết hạn cuối năm ngoái.

Vào tháng 11/2019, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần mức chi trả "phí bảo vệ" cho Mỹ lên 4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc chỉ chấp nhận mức tăng khoảng 10% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục