Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu đàm phán vòng 2 về chia sẻ chi phí quốc phòng

Việc khởi động các cuộc đàm phán diễn ra sớm hơn dự kiến và có quan điểm cho rằng Seoul muốn đạt thỏa thuận sớm để tránh phải thương lượng khó khăn trong trường hợp cựu Tổng thống Trump tái đắc cử.

Binh sỹ và xe quân sự Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Binh sỹ và xe quân sự Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 21/5, Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán vòng 2 về chia sẻ chi phí cho việc đồn trú của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.

Vòng đàm phán diễn ra tại Seoul và kéo dài trong 3 ngày nhằm xác định xem Hàn Quốc sẽ gánh vác bao nhiêu để duy trì 28.500 quân của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), bắt đầu từ năm 2026.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc là ông Lee Tae-woo thuộc Bộ Ngoại giao trong khi Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là bà Linda Specht, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách hiệp định an ninh và chính sách đối ngoại.

Việc khởi động các cuộc đàm phán diễn ra sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh có quan điểm cho rằng Seoul muốn đạt được thỏa thuận sớm để tránh phải thương lượng khó khăn với Washington trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Trước đó, chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Trump đã yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần khoản thanh toán lên 5 tỷ USD.

Theo Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) kéo dài trong 6 năm và có hiệu lực đến hết năm 2025, Hàn Quốc đã đồng ý tăng khoản thanh toán thêm 13,9% từ năm 2019 lên 1,03 tỷ USD cho năm 2021 và tăng khoản thanh toán hằng năm trong 4 năm tiếp theo, phù hợp với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Seoul.

Hàn Quốc đã kêu gọi Mỹ đưa ra một thỏa thuận mới ở "mức hợp lý" để đảm bảo các điều kiện cho lực lượng USFK đồn trú ổn định và tăng cường thế trận phòng thủ toàn diện.

Trong khi đó, Washington tìm cách theo đuổi một kết quả "công bằng và bình đẳng" trong các cuộc đàm phán, vì hầu hết đóng góp của Seoul cho SMA đều được chi cho nền kinh tế nội địa của Hàn Quốc, thể hiện "sự đầu tư mạnh mẽ" vào liên minh song phương.

Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Hawaii hồi tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục