Hàn Quốc trước nguy cơ giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong 14 năm

Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về dự báo CPI trong nước có thể tăng 5% trong tháng 5 và dự báo sẽ là mức cao nhất trong vòng 14 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hàn Quốc trước nguy cơ giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong 14 năm ảnh 1Quầy bán hải sản tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Hàn Quốc ngày 26/5 đã mở cuộc họp về kinh tế lần thứ hai nhằm rà soát các đối sách tiến tới ổn định giá tiêu dùng.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tư tăng 4,8%, do chi phí năng lượng tăng cao và nhu cầu phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát leo thang.

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Bang Ki-sun bày tỏ lo ngại về dự báo CPI trong nước có thể tăng 5% trong tháng Năm và dự báo sẽ là mức cao nhất trong vòng 14 năm kể từ sau thời điểm ngay trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (tháng 9/2008).

Ngày 26/5, giá dầu diesel và xăng tại Hàn Quốc đều tăng vượt ngưỡng 2.000 won/lít (tương đương 1,58 USD) do nguồn cung toàn cầu tiếp tục thắt chặt.

Theo Opinet, một trang web do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc điều hành, giá bán lẻ nhiên liệu diesel trung bình đã tăng 0,88 won lên mức 2.003,56 won/lít vào lúc 14h30 cùng ngày.

Giá dầu diesel dao động trong khoảng 2.000 won/lít kể từ khi vượt qua mức đó lần đầu tiên vào ngày 24/5 vừa qua, khoảng 2 tuần sau khi vượt xa giá xăng lần đầu tiên sau 14 năm.

Giá xăng trung bình cũng đã trở lại ngưỡng 2.001,01 won/lít, tăng 2,42 won so với ngày 25/5. Giá xăng ở Hàn Quốc lần đầu tiên chạm ngưỡng 2.000 won/lít vào ngày 15/3 vừa qua sau hơn 9 năm.

Thứ trưởng Bang Ki-sun nhấn mạnh rằng trước lo ngại về cung cầu ngũ cốc, tình hình giá cả leo thang đang lan rộng cũng trở thành vấn đề an ninh lương thực tại các nước đang phát triển và theo đó Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Bài toán hàng đầu với đội ngũ kinh tế của Hàn Quốc hiện nay là bảo vệ đời sống người dân khỏi lạm phát.

Vì vậy, tất cả các ban ngành cần dốc toàn lực để đối phó với nguy cơ tiềm tàng này. Bên cạnh đó, việc Quốc hội sớm thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần 2 cũng là một điều kiện cần để giải ngân nhanh cho các dự án ổn định giá cả, đảm bảo dân sinh.

[Hàn Quốc: Những thách thức trong hoạch định chính sách tài chính]

Dự kiến trong tuần tới chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố đối sách nhằm ổn định giá tiêu dùng, coi việc ổn định giá sinh hoạt như: thực phẩm, dịch vụ ăn uống và cắt giảm các chi phí như nhà ở, giáo dục là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng dốc toàn lực để quản lý cung cầu ngũ cốc và nguyên vật liệu, không để các yếu tố bên ngoài (như tình hình xung đột tại Ukraine) làm gia tăng sức ép lên giá cả trong nước.

Trong nỗ lực giúp ổn định sinh kế của người dân, chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét gia hạn cắt giảm thuế tiêu thụ xe du lịch thêm 6 tháng với thuế suất là 3,5%.

Việc cắt giảm 30% thuế tiêu thụ đối với việc mua xe du lịch dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022.

Lần gần đây nhất Chính phủ Hàn Quốc gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế tiêu thụ xe du lịch là vào nửa cuối năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục