Hàn Quốc trước ngã rẽ mới khi bà Park Geun-hye bị phế truất

Sau nhiều tháng chìm trong bất ổn chính trị, việc bà Park Geun-hye bị phế truất đang đẩy Hàn Quốc vào ngã rẽ mới với nhiều khó khăn và thách thức.
Bà Park Geun-hye. (Nguồn: The Economist)

Sau nhiều tháng chìm trong bất ổn chính trị, bà Park Geun-hye đã trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất.

Việc bà Park "ngã ngựa" cũng khiến uy tín của đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng. Có thể nói, những diễn biến mới nhất trên chính trường Hàn Quốc đang đẩy quốc gia Đông Bắc Á này vào ngã rẽ mới với nhiều khó khăn và thách thức.

Tòa án Hiến pháp nêu rõ rằng cựu Tổng thống Park Geun-hye “đã phản bội lòng tin của dân chúng”, “vi phạm Hiến pháp và pháp luật." Tòa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà lãnh đạo này bị bãi nhiệm trong hòa bình để đảm bảo nền dân chủ kéo dài 3 thập kỷ qua của Hàn Quốc.

Hiện Hàn Quốc đang phải đối mặt với vô vàn thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Ở bên trong, tình hình chính trị bất ổn và xã hội chia rẽ sâu sắc với các cuộc biểu tình quy mô lớn cả của lực lượng ủng hộ và phản đối bà Park; những bê bối về việc lợi dụng ảnh hưởng để tham nhũng hay dành những ưu ái đặc biệt cho giới chóp bu về chính trị và kinh tế càng làm gia tăng sự bất mãn âm ỉ trong xã hội.

[Bà Park xin lỗi vì không hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống]

Trong khi đó, môi trường khu vực Đông Bắc Á có nhiều biến động khiến cộng đồng quốc tế lo ngại: Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hạt nhân bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trở nên căng thẳng do các biện pháp trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh nhằm phản đối việc Seoul bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ...

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào ngành du lịch và thương mại của Hàn Quốc đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Đó là chưa kể tới mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Nhật Bản xung quanh vấn đề “phụ nữ mua vui” và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ...

Theo các nhà phân tích, kinh tế Hàn Quốc đã mất khả năng chịu đựng và rơi vào tình trạng đình trệ. Bất ổn kéo dài và tương lai chưa chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong năm 2017 trong khi các hộ gia đình phải "thắt lưng buộc bụng." Thống kê cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý IV/2016 đạt 0,4%, giảm 0,2% so với quý trước đó và là mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.

Trong bối cảnh đó, dư luận Hàn Quốc kỳ vọng tổng thống mới kế nhiệm bà Park sẽ là người có thể chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với việc bà Park bị phế truất, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống sớm hơn dự kiến, có thể vào ngày 9/5 tới thay vì tháng 8. Hiện các chính trị gia thuộc phe tự do đang tìm cách trở lại nắm quyền sau gần 10 năm phe bảo thủ lãnh đạo đất nước.

Theo kết quả thăm dò mới nhất của Viện Gallup, ông Moon Jae-in - Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, đang nổi lên là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trên chính trường và cũng từng là đối thủ của bà Park trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2012. Đứng thứ 2 trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng là Quyền Tổng thống Hwang Kyong-ahn.

Ông là người duy nhất thuộc phe bảo thủ có tên trong danh sách ứng cử viên hàng đầu, song đến nay ông vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về việc tham gia tranh cử.

Ngoài ra, ông Ahn Hee-jung, Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong, cũng được coi là một đối thủ đáng gờm. Ông là người ủng hộ việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, tăng cường trừng phạt Triều Tiên và có một cách tiếp cận thận trọng với Bình Nhưỡng.

Nếu đảng Dân chủ lên nắm quyền, chính sách đối với Triều Tiên chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi bởi ông Moon Jae-in là người có quan điểm ôn hòa với Bình Nhưỡng. Ông Moon Jae-in từng làm việc trong chính quyền của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người theo đuổi chính sách "Ánh dương" những năm 2000.

Nếu đắc cử, ông Moon Jae-in được cho là sẽ thúc đẩy nhiều hơn các cuộc đối thoại với Triều Tiên, khuyến khích các hoạt động kinh tế liên Triều, trong đó có việc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong vốn bị chính quyền của bà Park Geun-hye đóng cửa hồi năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa.

Ngoài ra, đảng Dân chủ cùng một số đảng nhỏ khác ở Hàn Quốc cũng đang kêu gọi xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD. Nếu kịch bản này xảy ra, mối quan hệ Hàn-Trung cũng sẽ phần nào được cải thiện, khi đó, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ không phải chứng kiến sự sụt giảm do các đòn “trả đũa” của Bắc Kinh.

Chưa rõ ứng cử viên nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Xanh sắp tới, nhưng một điều chắc chắn rằng người kế nhiệm bà Park sẽ phải tìm cách hàn gắn xã hội Hàn Quốc hiện đang bị chia rẽ sâu sắc sau vụ bê bối chính trị vừa qua để củng cố khối đoàn kết dân tộc và cùng vượt qua khó khăn, thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục