Ngày 2/12, nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi" dựa trên sự hiểu biết chung về liên minh song phương.
Phát biểu với phóng viên, ông Jeong Eun-bo, đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) cho biết: “Có những lĩnh vực không được thực hiện theo kế hoạch nhưng vì hai nước có chung sự hiểu biết về liên minh Mỹ-Hàn và tăng cường phòng thủ chung, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể có được một kết quả mà cả hai bên đều có lợi nếu như tiếp tục thảo luận với sự kiên nhẫn”.
Ngoài ra, ông Jeong Eun-bo cũng cho rằng phải có sự chia sẻ gánh nặng một cách hợp lý và công bằng như một nguyên tắc cơ bản. Theo ông, nguyên tắc quan trọng nhất là các cuộc đàm phán phải góp phần cho liên minh Hàn-Mỹ và tăng cường phòng thủ chung.
Phát biểu trên của ông Jeong Eun-bo được đưa ra khi ông tới sân bay Dulles ở Washington để tham dự vòng đàm phán thứ tư giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra trong hai ngày 3 và 4/12.
Trong vòng đàm phán thứ ba hồi tháng 11 vừa qua, hai bên đã không đạt được tiến triển trong bối cảnh Washington yêu cầu Seoul tăng mạnh các khoản chi cho việc duy trì Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) gồm 28.500 binh sỹ.
[Hàn Quốc tìm cách đối phó với sức ép từ Mỹ về chia sẻ chi phí quân sự]
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Phía Mỹ duy trì quan điểm rằng tỷ lệ chi phí quân sự nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới (trong thỏa thuận chia sẻ chi phí), trong khi phía chúng tôi giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ SMA mà Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí trong 28 năm qua. Trong mọi trường hợp, phía chúng tôi có kế hoạch làm hết sức mình để đảm bảo chúng tôi sẽ chia sẻ công bằng ở mức chi phí hợp lý, góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ và vị thế phòng thủ chung".
Các thông tin cho biết Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc trả gần 5 tỷ USD vào năm tới để trang trải các chi phí liên quan đến các cuộc tập trận chung và hỗ trợ cho các gia đình của USFK. Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác./.