Ngày 24/11, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự thảo chọn ngày 14/8 hàng năm là ngày tưởng nhớ "phụ nữ mua vui" - những người bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trong phiên họp toàn thể, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua việc sửa đổi luật nhằm hỗ trợ tốt hơn những phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sỹ Nhật trong giai đoạn 1910-1945 cũng như ghi nhớ nỗi đau khổ của họ.
Điều luật sửa đổi quy định chính phủ phải lắng nghe ý kiến của các nạn nhân trước khi đưa ra những chính sách liên quan tới quyền của họ.
Ngày 14/8/1991 là ngày Kim Hak-sun, một "phụ nữ mua vui" lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng để lên tiếng về những đau khổ mà các nô lệ tình dục trên Bán đảo Triều Tiên phải chịu đựng trong giai đoạn chiến tranh.
[Hàn Quốc xem xét lại thỏa thuận với Nhật Bản về "phụ nữ mua vui"]
Hồi cuối năm 2015, chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản theo đó Tokyo và Seoul nhất trí giải quyết "triệt để và dứt điểm" vấn đề "phụ nữ mua vui" - nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong một thời gian dài.
Trong năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua một quỹ hỗ trợ Hàn Quốc, chuyển 1 tỷ yên (khoảng 9 triệu USD) tới một quỹ hỗ trợ các nạn nhân là "phụ nữ mua vui" và gia đình họ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bày tỏ "sự hối tiếc và xin lỗi" về những tổn thương mà các nạn nhân phải trải qua.
Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc chỉ trích thỏa thuận này chưa thể hiện tiếng nói của nạn nhân, không có lời xin lỗi chính thức cũng như cam kết chịu trách nhiệm pháp lý của phía Nhật Bản đối với vấn đề "phụ nữ mua vui."
Sau khi nhậm chức hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã xem xét lại hiệp định song phương này theo đúng như cam kết của ông Moon Jae-in từ thời tranh cử.
Theo thống kê, hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên Bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới 2./.