Hàn Quốc thông báo kết quả phân tích nước thải từ nhà máy Fukushima

Theo Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ không xả nước thải ra biển nếu phát hiện vẫn còn chất phóng xạ có nồng độ vượt quá trị số cho phép, thay vào đó sẽ tiếp tục xử lý lọc lại cho tới khi đáp ứng tiêu chuẩn.
Hàn Quốc thông báo kết quả phân tích nước thải từ nhà máy Fukushima ảnh 1Bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 28/6, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nhà nước Hàn Quốc Park Ku-yeon cho biết đoàn thanh sát của nước này đang đánh giá kết quả phân tích dữ liệu đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cung cấp.

Dựa trên phân tích nước thải trong năm 2023, có thể tạm thời xác định được rằng trong nước thải đã qua xử lý bằng ALPS không có chất phóng xạ nào nồng độ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

[Chuyên gia Hàn Quốc bắt đầu thị sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima]

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, ông Park Ku-yeon cho rằng Nhật Bản sẽ không xả nước thải ra biển nếu phát hiện vẫn còn chất phóng xạ có nồng độ vượt quá trị số cho phép, thay vào đó sẽ tiếp tục xử lý lọc lại cho tới khi đáp ứng tiêu chuẩn.

Tại buổi họp báo trước đó, Chủ tịch Ủy ban An toàn năng lượng nguyên tử Yoo Guk-hee, Trưởng đoàn thanh sát của Chính phủ Hàn Quốc, công bố kết quả phân tích tài liệu về nồng độ của tất cả các chất phóng xạ đo được ở đầu vào và đầu ra của thiết bị ALPS từ năm 2013 cho tới thời điểm gần đây, theo đó có 6 chất phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó phần lớn là trước năm 2019.

Trong năm 2023, mỗi ngày có thêm 100 tấn nước thải phát sinh từ nhà máy Fukushima số 1 và nước thải đã được xử lý bằng thiết bị ALPS không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Điều này cho thấy công nghệ lọc của thiết bị này ngày càng được nâng cao và an toàn hơn.

Công suất lọc tối đa của thiết bị lọc ALPS là 2.000 tấn/ngày. Trong khi lượng nước thải phát sinh mới mỗi ngày là 100 tấn. Nếu xét tới lượng xả thải tối đa 500 tấn/ngày theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản thì Tokyo đủ năng lực để xử lý nước thải từ nhà máy Fukushima số 1.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận Hàn Quốc bày tỏ quan ngại trước kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Cùng ngày 28/6, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành thẩm tra hệ thống xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 ra biển.

Trong đợt thẩm tra lần này, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản sẽ kiểm tra hệ thống thiết bị sử dụng nước biển để làm loãng nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý, các thiết bị tự ngắt trong trường hợp xảy ra sự cố.

Đây được coi là công tác thẩm tra lần cuối của cơ quan chức năng tại Nhật Bản trước khi hệ thống này chính thức đi vào hoạt động.

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.

TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống ALPS để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác, trừ chất Triti không thể phân tách.

Nước sau khi xử lý được trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục