Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm hợp tác thành phố thông minh tại Bangkok để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc đang tìm cách đầu tư vào các dự án thành phố thông minh ở Thái Lan.
Các trung tâm tương tự cũng đã được thành lập tại Hà Nội, Jakarta và Istanbul. Những trung tâm này, bắt đầu hoạt động từ tháng 10, do Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) hợp tác với Tập đoàn Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Đô thị Hải ngoại Hàn Quốc (KIND) cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) triển khai.
Theo MOLIT, vai trò chính của các trung tâm này là "hỗ trợ các công ty Hàn Quốc quan tâm đến các dự án thành phố thông minh ở nước ngoài". Địa điểm của các trung tâm được lựa chọn dựa trên khảo sát về nhu cầu trong và ngoài Hàn Quốc, và đánh giá của một hội đồng chuyên gia.
[Hàn Quốc đầu tư gần 9 tỷ USD xây thành phố thông minh trong 5 năm]
Các trung tâm sẽ chia sẻ thông tin của các công ty Hàn Quốc về các dự án ở địa phương và những hướng dẫn mở rộng ra nước ngoài. Họ hỗ trợ các công ty này trong tất cả các giai đoạn, từ đặt hàng dự án và đấu thầu cho đến hỗ trợ tiếp theo.
Sẽ có các nhân viên của KOTRA tại các trung tâm để giúp thu thập thông tin dự án và liên kết các công ty Hàn Quốc với chính quyền hoặc các công ty phụ trách các dự án thành phố thông minh.
Tại Thái Lan, trung tâm có kế hoạch tổ chức Ngày Thành phố Thông minh Hàn Quốc-Thái Lan vào đầu tháng Mười Hai tới.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời Giám đốc bộ phận chính sách đô thị của MOLIT Jeong Chae-gyo cho biết thành phố thông minh là một lĩnh vực chuyên môn mới nổi của Hàn Quốc. Các trung tâm hợp tác thành phố thông minh sẽ mang lại cho Hàn Quốc một mạng lưới quý giá để khám phá các dự án mới và hỗ trợ tích cực cho các nhà thầu Hàn Quốc đấu thầu các dự án thành phố thông minh.
MOLIT đã khởi động Chương trình Hợp tác Toàn cầu Mạng lưới K-City vào năm ngoái, một sáng kiến giữa chính phủ với chính phủ dành cho phát triển thành phố thông minh, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quy hoạch tổng thể và phát triển nghiên cứu khả thi cho các dự án được chọn.
Tổng cộng có 12 dự án thành phố thông minh đầy hứa hẹn đã được phát hiện thông qua chương trình này. Một dự án là ở tỉnh Khon Kaen thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi sẽ phát triển quy hoạch tổng thể cho dự án phát triển hệ thống di chuyển trong thành phố thông minh. Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Số (DEPA) của Thái Lan cho biết Khon Kaen được chọn từ 80 dự án trên toàn cầu đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chương trình.
DEPA đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là phát triển 100 thành phố thông minh trên khắp đất nước Thái Lan, nhằm cải thiện nền kinh tế và chất lượng sống phù hợp với kế hoạch chiến lược quốc gia 20 năm.
Đến nay, thủ đô Bangkok cùng các thành phố ở 6 tỉnh là Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao đã bắt đầu tiến trình biến đổi thành thành phố thông minh.
Kể từ tháng 5/2020, những thành phố muốn tham gia kế hoạch có thể nộp đơn lên Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển thành phố thông minh do Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon đứng đầu để được đánh giá và thông qua. Để được phê chuẩn tham gia phát triển thành phố thông minh, những thành phố nộp đơn phải đáp ứng 5 tiêu chí: có ranh giới địa lý rõ ràng và các mục tiêu thành phố thông minh; có đầu tư vào cơ sở hạ tầng và một kế hoạch phát triển; có thiết kế dành cho một nền tảng dữ liệu thành phố mở và an toàn; cung cấp các giải pháp thành phố thông minh; và có một mô hình quản lý bền vững.
Những thành phố được phê chuẩn có thể sử dụng biểu trưng Thành phố thông minh Thái Lan (Smart City Thailand) và được phép nộp đơn xin những ưu đãi đầu tư từ Ủy ban Đầu tư (BoI). Những đặc trưng của các thành phố thông minh theo kế hoạch phát triển của DEPA bao gồm 7 tiêu chí là kinh tế, di chuyển, năng lượng, cuộc sống, người dân, quản trị và môi trường. DEPA hy vọng các thành phố thông minh sẽ giúp tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. Những thành phố đã đăng ký sẽ là các mô hình thí điểm về phát triển thành phố thông minh cho những khu vực khác trên toàn quốc./.