Hàn Quốc thâm hụt thương mại cao kỷ lục trong tháng 8

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, do giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 9,47 tỷ USD trong tháng 8, mức lớn nhất từ trước đến nay.
Hàn Quốc thâm hụt thương mại cao kỷ lục trong tháng 8 ảnh 1Người dân bơm xăng tại một cây xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 1/9 công bố số liệu cho thấy Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại cao kỷ lục trong tháng 8 do giá năng lượng toàn cầu tăng cao, mặc dù xuất khẩu của nước này tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ trên, giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8 ở mức 56,67 tỷ USD, tăng so với mức 53,2 tỷ USD trong một năm trước đó, và là tháng thứ 22 liên tiếp xuất khẩu của Hàn Quốc tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 9,47 tỷ USD trong tháng 8, mức lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh nhập khẩu tăng 28,2% so với tháng 8/2021 lên 66,15 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục do giá năng lượng toàn cầu tăng cao.

Nhập khẩu đã vượt xuất khẩu trong tháng 8 và là lần đầu tiên kể từ năm 2008, khi Hàn Quốc trải qua đợt thâm hụt thương mại kéo dài năm tháng liên tiếp.

Hàn Quốc nhập khẩu hầu hết nhu cầu năng lượng của mình và nhập khẩu năng lượng của nước này đã tăng 91,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 18,52 tỷ USD trong tháng 8.

Giá dầu Dubai, mức chuẩn của Hàn Quốc, đã tăng lên 96,63 USD/thùng trong tháng 8 so với mức trung bình 69,5 USD/thùng một năm trước đó.

Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong những tháng gần đây, khi bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng một con số trong tháng 6, sau khi tăng hai con số kéo dài 15 tháng.

[Dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm do lạm phát leo thang]

Xuất khẩu chất bán dẫn, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 10,78 tỷ USD do nhu cầu và giá giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và là lần đầu tiên xuất khẩu chất bán dẫn giảm trong 26 tháng. Chất bán dẫn chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã tăng 113,6% lên 6,57 tỷ USD, và xuất khẩu ôtô tăng 35,9% lên 4,12 tỷ USD. Doanh số bán các sản phẩm thép cũng tăng 2,8% lên 3,24 tỷ USD.

Bộ pin có thể sạc lại đạt doanh thu lớn nhất là 940 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo quốc gia, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 xuống còn 13,13 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế nước này suy giảm và các điều kiện thương mại không thuận lợi khác, như việc các thành phố lớn phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19.

Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc kể từ tháng 5/2022. Hàn Quốc chưa bao giờ báo cáo thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong 4 tháng liên tiếp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ tăng 13,7% lên 8,76 tỷ USD và xuất khẩu sang ASEAN tăng 21,7% lên 10,86 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 7,3% lên 5,4 tỷ USD, và doanh số bán hàng sang Ấn Độ và Trung Đông lần lượt tăng 27,1% và 7,8%. Bộ trên cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang Cộng đồng các quốc gia độc lập đã giảm 10,6% xuống 860 triệu USD trong tháng 8/2022 do căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài.

Bộ trưởng Công nghiệp Lee Chang-yang cho biết mặc dù xuất khẩu cao kỷ lục trong tháng 8/2022, song Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro. Hàn Quốc sẽ xem xét kỹ tình hình liên quan đến thâm hụt thương mại gần đây và sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.

Trước đó ngày 31/8, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt các biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu.

Các biện pháp này bao gồm cung cấp hỗ trợ thương mại lên tới 351.000 tỷ won (260 tỷ USD) cho các nhà xuất khẩu trong nước, bồi đắp các ngành công nghiệp tương lai như lĩnh vực pin sinh học và xúc tiến các dự án xuất khẩu quy mô lớn trong lĩnh vực điện hạt nhân và quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục