Chính phủ Hàn Quốc và Đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền ngày 18/3 đã nhất trí gia tăng gần 50% số học sinh được hưởng tiêu chuẩn ăn miễn phí tại trường học, nâng con số này lên 2 triệu trẻ vào năm 2012.
Quyết định được đưa ra trong phiên họp chung tại quốc hội này đã gây tranh cãi giữa đảng cầm quyền và phe đối lập chính là Liên minh Dân chủ (DP).
Phát ngôn viên của Đảng cầm quyền Cho Hae-jin nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc và GNP đã quyết định đến năm 2012 sẽ tăng khoảng 50% số học sinh tiểu học được hưởng tiêu chuẩn miễn phí ăn trưa tại trường.
Theo đó, toàn bộ các học sinh thuộc trường tiểu học và trung học cơ sở tại các vùng chuyên canh nông nghiệp, làng chài, vùng núi và các học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp được hưởng tiêu chuẩn miễn phí ăn uống.
Dự tính, số học sinh được hưởng lợi từ chương trình này sẽ tăng lên thành 2 triệu, chiếm khoản chi 400 tỷ won (352 triệu USD) từ ngân sách chính phủ. Hiện tại, trên toàn quốc có 1,34 triệu học sinh, tương đương 18% học sinh tiểu học và trung học cơ sở được nhận tiêu chuẩn ăn trưa miễn phí.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, con số này đã tăng 5% so với năm 2009.
Phe đối lập đã phản đối quyết định trên và yêu cầu cho miễn phí ăn trưa với toàn bộ học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Các nghị sĩ DP lập luận rằng việc cung cấp suất ăn miễn phí không thể chỉ tính đến ngân sách mà phải tính đến vấn đề sức khỏe của trẻ em và tương lai của đất nước sau này.
Các nghị sĩ DP còn cho rằng việc chỉ cung cấp miễn phí bữa ăn cho một bộ phận học sinh sẽ nảy sinh tâm lý phân biệt đẳng cấp, thể hiện rõ khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, có tác động không tốt với tâm lý trẻ em.
Chủ đề miễn phí ăn trưa cho học sinh trở nên nóng ở Hàn Quốc và thành vấn đề tranh cãi giữa các đảng phái trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử hội đồng địa phương các cấp.
Vấn đề càng trở nên nhạy cảm khi kinh tế khó khăn do tác động của khủng hoảng. Các đảng đối lập chủ trương vận động đòi quyền lợi chăm sóc y tế miễn phí cho khoảng 70% học sinh tiểu học và trung học cơ sở không thuộc 30% tầng lớp thượng lưu, có thu nhập cao.
Vấn đề bữa ăn cho học sinh chỉ là một phần cuộc vận động cải cách hệ thống giáo dục vốn bị cho là chú trọng phục vụ tầng lớp giàu trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.
Trước đó, ngày 17/3, Tổng thống Lee Myung-bak đã một lần nữa khẳng định cam kết thực hiện tiến trình cải cách hệ thống giáo dục theo đúng lộ trình nhằm tạo môi trường bình đẳng cho học sinh.
Trọng tâm của tiến trình cải cách được trông đợi là tìm giải pháp cải thiện các trường công lập.
Trong phát biểu tại phiên họp hàng tháng của các quan chức giáo dục hàng đầu, Tổng thống Lee cho rằng Hàn Quốc có được tốc độ phát triển nhanh chóng như vậy là nhờ hệ thống giáo dục đã cung cấp nguồn nhân lực ưu tú. Tuy nhiên, giờ đã đến lúc phải cải tổ hệ thống giáo dục phục vụ cho một giai đoạn phát triển mới trong thế kỷ 21.
Phiên họp các quan chức giáo dục diễn ra hàng tháng được triển khai nhằm thảo luận các biện pháp để cải thiện hệ thống giáo dục công lập đã xuống cấp từ lâu và hạn chế việc gia tăng tiền học phí và chi phí giáo dục tại các trường dân lập, đặc biệt là các trường có tiếng trên toàn quốc.
Các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc phải gồng mình gánh chi phí nhập trường cho con em vào mỗi dịp khai giảng hàng năm.
Thống kê cho thấy, người Hàn Quốc đã chi 21,6 nghìn tỷ won (18,7 tỷ USD) cho việc học thêm của con cái trong năm 2009.
Nhiệt huyết với đào tạo con cái đã khiến làm gia tăng số các ông bố Hàn Quốc sống một mình trong nhiều năm để cho vợ đưa con ra nước ngoài đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiếng Anh.
Tăng cường tuyến giáo dục công lập ở Hàn Quốc hiện được xem là giải pháp có thể giúp hạn chế hiệu quả gánh nặng học phí cho các bậc phụ huynh và giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như vùng miền trong xã hội.
Tổng thống Lee nhấn mạnh rằng giáo dục cần một chiến lược dài hạn, ổn định. Chính sách với giáo dục không giống với các lĩnh vực khác, sẽ không thay đổi cho dù chính quyền thay đổi./.