Hàn Quốc tăng cường giám sát đối với thị trường tài chính

Các khoản vay hộ gia đình ở các ngân hàng tại Hàn Quốc đã tăng trong tháng thứ ba liên tiếp tính đến thời điểm tháng 6/2024 với sự gia tăng mạnh nhất trong tăng trưởng cho vay thế chấp.

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cơ quan tài chính Hàn Quốc sẽ duy trì một hệ thống giám sát thị trường nâng cao và tăng cường phối hợp giữa những cơ quan liên quan để đối phó với biến động kéo dài trên thị trường tài chính toàn cầu.

Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 5/8 cho biết đã triệu tập cuộc họp các quan chức cấp thứ trưởng những bộ liên quan, Ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính khác nhằm đánh giá tình thị trường và thảo luận về những biện pháp đối phó. Bộ Tài chính nhận định sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu đã gia tăng và những bất ổn vẫn còn tồn tại do tình hình bất ổn ở Trung Đông.

Thông tin cho biết Chính phủ và BoK sẽ duy trì một hệ thống giám sát chung 24/7 đối với các thị trường tài chính trong và ngoài nước và hợp tác chặt chẽ với những cơ quan liên quan theo kế hoạch dự phòng nếu cần thiết. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố các yếu tố cơ bản của thị trường vốn và ngoại hối thông qua những chương trình nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Tuần trước, thị trường tài chính toàn cầu đã lao dốc khi báo cáo việc làm ảm đạm của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy yếu. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,5% trong phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,43%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc đã giảm 3,65%, mức giảm mạnh nhất trong bốn năm; chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 5,81%.

Cùng ngày, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết sẽ nỗ lực giảm nợ hộ gia đình, tăng cường giám sát biển động trên thị trường tài chính.

Ông Kim Byoung-hwan, người đứng đầu Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), cũng cho biết để giảm nợ hộ gia đình đang ở mức cao, FSC sẽ triển khai các biện pháp thắt chặt điều kiện cho vay.

Theo ông Kim, nguyên nhân chính khiến hệ thống tài chính của Hàn Quốc dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài là do mức nợ tương đối cao và phụ thuộc vào nợ.

Theo đó, Hàn Quốc cần thay đổi cơ cấu phụ thuộc vào nợ để đảm bảo tăng trưởng ổn định cũng như ổn định tài chính. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thắt chặt kiểm soát các khoản vay thông qua việc mở rộng triển khai “tỷ lệ dịch vụ nợ.”

Tỷ lệ dịch vụ nợ (DSR), thước đo số tiền mà người đi vay phải trả cho tiền gốc và lãi theo tỷ lệ thu nhập hàng năm của người đó, đóng vai trò là mức trần cho tổng khoản tiền được vay.

Theo người đứng đầu FSC, nợ hộ gia đình dự kiến sẽ tăng thêm khi cắt giảm lãi suất và thị trường trong nước phục hồi.

Các khoản vay hộ gia đình ở các ngân hàng tại Hàn Quốc đã tăng trong tháng thứ ba liên tiếp tính đến thời điểm tháng 6/2024 với sự gia tăng mạnh nhất trong tăng trưởng cho vay thế chấp.

Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số nợ hộ gia đình chưa thanh toán của các ngân hàng đã lên tới 1.115.500 tỷ won (805 tỷ USD), tăng 6.000 tỷ won so với tháng trước.

Các khoản vay được thế chấp trong nước tại các ngân hàng đã tăng 6.300 tỷ won lên 876.900 tỷ won trong tháng 7, so với mức tăng 5.700 tỷ won trong tháng 6.

Trong tháng 7/2024, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong lần thứ 12 liên tiếp kể từ tháng 2 năm 2023 song Thống đốc BoK Rhee Chang-yong cho biết xu hướng lạm phát chậm lại đã khá rõ ràng và các điều kiện đã chín muồi để Hàn Quốc đảo ngược chính sách tiền tệ vào thời điểm thích hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục