Hàn Quốc sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng Tư năm 2022

Một lực lượng đặc nhiệm về kinh tế của Hàn Quốc sẽ thảo luận các biện pháp đối phó, xử lý tác động của việc tham gia CPTPP và thúc đẩy nộp đơn chính thức gia nhập CPTPP vào giữa tháng 4/2022.
Hàn Quốc sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng Tư năm 2022 ảnh 1Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc ngày 27/12 thông báo sẽ thúc đẩy việc nộp đơn chính thức để gia nhập một hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 4/2022, bằng cách đẩy nhanh quá trình thu thập ý kiến công chúng và xây tạo sự đồng thuận xã hội.

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã bắt đầu quá trình tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có sự tham gia của 11 nước, như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa danh mục xuất khẩu của mình.

Trong cuộc họp với các quan chức khác liên quan đến thương mại và xuất khẩu, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki cho biết một lực lượng đặc nhiệm bao gồm các bộ liên quan sẽ thảo luận các biện pháp đối phó để xử lý tác động của việc tham gia CPTPP và liên hệ với các nước thành viên, đồng thời thúc đẩy nộp đơn chính thức gia nhập CPTPP vào giữa tháng 4/2022.

[Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm gia nhập CPTPP]

Thời điểm này phù hợp với bình luận trước đó của Bộ trưởng Hong Nam-ki rằng chính phủ có mục tiêu nộp đơn gia nhập trước khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào tháng 5/2022.

CPTPP là phiên bản nâng cấp của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn dắt. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ ra khỏi TPP, mà được nhiều người coi là đối trọng quan trọng đối với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

CPTPP, được khởi động vào tháng 12/2018, được 11 quốc gia ký kết, bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand và Mexico.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, kim ngạch thương mại của 11 quốc gia tham gia CPTPP đã đạt 5.700 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Tại cuộc họp ngày 27/12, Bộ trưởng Hong Nam-ki cũng đã chỉ định 200 mặt hàng quan trọng chiến lược sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Theo ông Hong Nam-ki, những mặt hàng này là một phần trong 4.000 mặt hàng mà chính phủ trước đó đã tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ trong bối cảnh rủi ro ngày càng tăng do tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp nguyên liệu chính trên toàn cầu.

Chính phủ cũng đã đưa ra một hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi dòng chảy của những mặt hàng đó, bao gồm magiê, vonfram, neodymium và lithium hydroxide.

Trong số đó, Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết chính phủ sẽ hoàn thành các biện pháp, đặc biệt, để đảm bảo nguồn cung ổn định cho 20 mặt hàng, bao gồm magiê và các nguyên liệu công nghiệp quan trọng khác, trước cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục