Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 13/3 đã báo cáo "Kế hoạch công tác năm 2019," trong đó bao gồm những nội dung mà Bộ đã trình lên Phủ Tổng thống và Văn phòng điều phối Nhà nước vào ngày 24/2 vừa qua, đồng thời bổ sung thêm kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội.
Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ và kêu gọi sự ủng hộ của các nước liên quan, để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa đạt được tiến triển thực chất, xúc tiến xây dựng một cơ chế hòa bình vững chắc và dài lâu trên Bán đảo Triều Tiên.
Thứ trưởng Cho Hyun cho biết mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận, nhưng hai bên đã trao đổi hiệu quả về biện pháp phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và bước đi tương ứng của Mỹ, giúp mỗi bên nắm rõ hơn về lập trường của đối phương.
Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ để sớm khôi phục đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, đạt được tiến triển bao quát cả về vấn đề phi hạt nhân hóa, xây dựng cơ chế hòa bình, lộ trình xây dựng lòng tin trên Bán đảo Triều Tiên.
[Hàn Quốc tìm cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề Triều Tiên]
Đặc biệt, dựa trên nền tảng niềm tin của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên với Tổng thống Moon Jae-in, Seoul sẽ nỗ lực phát huy vai trò chủ đạo trong quá trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ liên hệ tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa với quá trình xúc tiến xây dựng cơ chế hòa bình Bán đảo Triều Tiên, chuyển từ cơ chế đình chiến sang cơ chế hòa bình, xây dựng nền tảng hòa bình và thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á nói chung.
Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không đề cập tới vấn đề tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn được coi là một "bước đệm" để chuyển từ cơ chế đình chiến sang cơ chế hòa bình.
Thứ trưởng Cho từ chối đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu có phải chính phủ muốn lược bỏ bước tuyên bố chấm dứt chiến tranh, vốn chỉ mang tính biểu tượng, để tiến hành đàm phán luôn về cơ chế hòa bình hay không.
Liên quan tới quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đang rơi vào mâu thuẫn sau phán quyết của Tòa án tối cao hồi năm ngoái yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho hành vi cưỡng ép lao động thời chiến, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tái khẳng định lập trường vừa giải quyết vấn đề lịch sử, vừa phát triển quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản hướng tới tương lai, bất chấp việc Tokyo tuyên bố đang cân nhắc trả đũa kinh tế với Seoul./.