Hàn Quốc phát triển thành công phương pháp xét nghiệm biến thể Omicron

Về biến thể Omicron, Thủ tướng Kim Boo-kym cho rằng người dân Hàn Quốc không nên chủ quan với biến thể mới này nếu chỉ dựa trên việc tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng ở mức thấp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 29/12 cho biết nước này đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng thực tế từ ngày 30/12.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh hiện nay là ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến thể Omicron thông qua các biện pháp phòng dịch triệt để và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Ông lưu ý thêm rằng, sau 8 tuần số ca nhiễm COVID-19 mới ở Hàn Quốc tăng liên tục, làn sóng lây nhiễm đã bắt đầu có xu hướng giảm khi hệ số lây nhiễm đã xuống dưới mức 1, công suất sử dụng giường bệnh giảm, không còn tình trạng bệnh nhân phải chờ hơn một ngày để được chỉ định giường. Thủ tướng Kim Boo-kym nhấn mạnh có được kết quả này là nhờ sự hợp tác và tích cực thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định đã kiểm soát được dịch COVID-19 khi công suất giường bệnh ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) vẫn ở mức cao, số bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn trên ngưỡng 1.000 ca.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết thêm rằng các cơ quan chức năng nước này sẽ phân tích và đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay, tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cũng như giới tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, để đưa ra phương án điều chỉnh biện pháp phòng dịch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo bắt đầu từ ngày 2/1/2022.

Về biến thể Omicron, Thủ tướng Kim Boo-kym cho rằng người dân Hàn Quốc không nên chủ quan với biến thể mới này nếu chỉ dựa trên việc tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng ở mức thấp. Nếu số ca mắc mới COVID-19 tăng gấp đôi, hệ thống y tế sẽ chịu gánh nặng lớn.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh nếu muốn nhanh chóng kết thúc giãn cách xã hội và trở lại cuộc sống bình thường thì hơn bao giờ hết mọi người nên chào năm cũ và đón năm mới một cách đơn giản, gọn nhẹ.

Ông kêu gọi người dân đeo khẩu trang, tránh đến nơi tập trung đông người, đồng thời duy trì thông gió thường xuyên và tích cực làm xét nghiệm nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

Trong diễn biến cùng ngày, người phát ngôn của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền Hàn Quốc, nghị sĩ Shin Hyun-young cho biết đảng DP và chính phủ mới đây đã nhất trí về tầm quan trọng của việc gia hạn các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 cũng như phân bổ ngân quỹ để mua vaccine phục vụ mũi tiêm tăng cường thứ 4.

[Nhật Bản cảnh giác nguy cơ biến thể Omicron lây lan nhanh dịp Năm mới]

Hai bên đã đạt được đồng thuận trong khuôn khổ cuộc họp bàn về cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19, song lưu ý rằng các chỉ số chính, như tỷ lệ bệnh nhân điều trị tích cực, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch và tử vong vẫn chưa được cải thiện.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh ngày 29/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 5.409 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 5.283 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây cũng là ngày đầu tiên trong 3 ngày qua, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt trên 5.000 ca/ngày. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở Hàn Quốc là 558 ca. Số bệnh nhân COVID-19 nặng là 1.151 ca, tăng 49 ca so với một ngày trước, tiếp tục là con số cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nặng ở ngưỡng 1.000 ca.

Cũng theo KDCA, tính đến thời điểm hiện tại, có 82,6% dân số nước này đã hoàn tất tiêm hai mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19, trong khi 32,3% dân số đã tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba).

Hiện Hàn Quốc có 27.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà, không còn trường hợp nào phải chờ hơn một ngày để được chỉ định giường điều trị. Công suất giường dành cho ca bệnh nặng trên toàn quốc là 75%, công suất giường tại bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm là khoảng 54%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục