Hàn Quốc phát hiện chất ma túy ở hàng chục cơ sở xử lý nước thải

Kết quả điều tra dịch tễ nước thải tại Hàn Quốc từ năm 2020-2022 cho thấy ở cả 34 cơ sở xử lý nước thải được điều tra đều phát hiện có chất ma túy philopon và ecstasy (thuốc lắc).
Hàn Quốc phát hiện chất ma túy ở hàng chục cơ sở xử lý nước thải ảnh 1Một cống ngầm xả thải ở thành phố Seoul. Ảnh minh họa. (Nguồn: Korea Bizwire)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 8/6, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã công bố kết quả phân tích và so sánh "Tình hình sử dụng ma túy trái phép trên cơ sở điều tra dịch tễ nước thải" trong vòng ba năm từ 2020-2022.

Một quan chức MFDS cho biết điều tra dịch tễ nước thải có thể phát hiện được các loại ma túy được sử dụng trên thực tế ngoài những loại mà cơ quan điều tra phát hiện được. Đây là một thủ pháp điều tra đang được sử dụng tại các nước như Australia hay tại Liên minh châu Âu (EU).

Theo kết quả điều tra lần này, tại cả 34 cơ sở xử lý nước thải thuộc đối tượng điều tra ba năm liên tiếp của MFDS đều phát hiện được philopon, lượng sử dụng ước tính bình quân trên 1.000 dân mỗi ngày là khoảng 20mg.

[Cảnh sát Italy phát hiện 2 tấn cocaine trôi ngoài khơi đảo Sicily]

Số cơ sở xử lý nước thải phát hiện ecstasy (thuốc lắc) tăng từ 19 nơi năm 2020 lên 27 nơi trong năm ngoái, lượng sử dụng ước tính bình quân trên 1.000 dân mỗi ngày tăng từ 1,71mg năm 2020 lên 1,99mg năm 2021, 2,58mg năm 2022, có sự gia tăng qua các năm.

Trong đó, các khu vực cảng biển hay đô thị lớn phát hiện lượng philopon cao hơn các khu vực khác.

Như khu vực cảng Busan, Incheon, Ulsan có lượng sử dụng ước tính bình quân 1.000 dân mỗi ngày là 31,63mg, trong khi các khu vực khác là 18,26mg; các đô thị lớn như thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi là 26,52mg, các khu vực khác là 13,14mg.

Tuy nhiên, kết quả ước tính trên có mặt hạn chế do ảnh hưởng bởi lượng mưa, lượng ma túy bị tiêu hủy vào nước thải và các chất chuyển hóa được MFDS cấp phép.

Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm cho biết sẽ tích cực chia sẻ kết quả điều tra lần này với các cơ quan quốc tế như Trung tâm giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA); đồng thời cung cấp thông tin đầu mối cho các cơ quan điều tra, giám sát trong nước.

MFDS cũng sử dụng kết quả điều tra vào việc lập chính sách như phòng chống, đào tạo và cai nghiện ma túy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục