Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cho rằng có thể cân nhắc nối lại hoạt động tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang trước khi dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, qua đó thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn thế giới bao gồm hãng Yonhap của Hàn Quốc ngày 26/6, Bộ trưởng Kim cho biết các dự án thương mại liên Triều có thể đem lại hàng triệu USD cho Bình Nhưỡng, và có thể sử dụng làm "đòn bẩy" thúc đẩy đối thoại để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo ông, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí nối lại hai dự án trên ngay khi hội đủ các điều kiện cần thiết và chính phủ hai bên đang nỗ lực để tạo ra các điều kiện đó.
Ông cũng nhấn mạnh điều kiện quan trọng nhất là tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Trong văn bản trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông đã đề xuất với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "có thể sử dụng hợp tác kinh tế liên Triều như biện pháp tương ứng nhằm thúc đẩy Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa."
[Các điều kiện cho đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã chín muồi]
Khu công nghiệp chung Keasong được thành lập sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên năm 2000, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2004.
Đây được xem là biểu tượng cho hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và là dự án xuyên biên giới thành công, trong đó Hàn Quốc góp vốn và công nghệ trong khi Triều Tiên góp nhân công.
Tuy nhiên, khu công nghiệp này bị dừng hoạt động từ tháng 2/2016 sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Chương trình du lịch Núi Kumgang ở Triều Tiên được khởi động năm 1998 trong bối cảnh quan hệ liên Triều "tan băng," nhưng cũng đã bị đình chỉ từ năm 2008 sau vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị cảnh vệ Triều Tiên bắn chết.
Hàn Quốc muốn nối lại hai dự án trên để qua đó thúc đẩy quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, Mỹ phản đối các hình thức hợp tác kinh tế liên Triều toàn diện như vậy do lo ngại có thể hủy hoại cơ chế trừng phạt quốc tế áp đặt với Bình Nhưỡng khi các cuộc đàm phán hạt nhân tiến triển chậm.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nhận định việc Triều Tiên dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon cần được xem là một hành động có ý nghĩa, bởi đây vừa là địa điểm phát triển hạt nhân dựa trên plutoni vừa là cơ sở làm giàu urani của Bình Nhưỡng.
Theo đó, việc phá bỏ cơ sở này có thể giúp ngăn chặn không chỉ hoạt động sản xuất plutoni mà còn hoạt động làm giàu urani của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc từng cho rằng nếu tổ hợp hạt nhân Yongbyon bị phá hủy hoàn toàn và có thể kiểm chứng, có thể thể nói tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã bước vào giai đoạn "không thể đảo ngược."
Bộ trưởng Kim thừa nhận vẫn còn sự thiếu tin cậy giữa các trợ lý của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, và đây là yếu tố ngăn cản tiến bộ trong đối thoại.
Theo ông, "chìa khóa" để đạt tiến triển trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là phải có lòng tin cao độ, không chỉ giữa hai nhà lãnh đạo mà còn giữa các quan chức cấp dưới có nhiệm vụ đặt nền móng cho đối thoại.
Ông cho biết Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trao đổi tổng cộng 12 bức thư bắt đầu từ năm 2018, trong đó ông Kim viết 8 bức thư gửi ông Trump và Tổng thống Mỹ đã viết 4 bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bộ trưởng Kim cho rằng "hai nhà lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại giữa hai bên khi họ trao đổi thư từ thường xuyên như vậy."
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cũng nhận định rằng Trung Quốc - dù đang căng thẳng thương mại với Mỹ - có một vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hợp tác giữa hai siêu cường này trong vấn đề Triều Tiên là rất quan trọng./.