Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 24/2 cho biết nợ của các hộ gia đình tại nước này lần đầu tiên đã vượt mức 1,2 triệu tỷ won và cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo số liệu của BOK, tính đến cuối năm ngoái, nợ của các hộ gia đình tại nước này đã lên đến 1,207 triệu tỷ won (khoảng 979,7 tỷ USD), song điều nghịch lý là tiêu dùng nội địa lại không tăng như kỳ vọng khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,7% trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ năm 1999, và cách xa mục tiêu mà BOK đặt ra cho giai đoạn 2013-2015 là từ 2,5% đến 3,5%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nợ hộ gia đình tăng mạnh là do thị trường nhà đất ấm lên.
Theo số liệu của BOK, trong năm 2015, các giao dịch mua bán nhà tại nước này đã tăng 18,8% lên mức cao kỷ lục với hơn 1,19 triệu giao dịch thành công.
Các nhà kinh tế cho rằng vấn đề nợ của hộ gia đình tại Hàn Quốc hiện chưa đến mức xấu nhất song đang là “quả bom nổ chậm” buộc chính phủ nước này phải hành động nhanh chóng.
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, nợ của hộ gia đình tăng lên cũng khiến dư địa trong chính sách tiền tệ của BOK bị thu hẹp trước nhu cầu cần phải hạ thêm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.
Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm qua.
Ông Huh Jae-hwan, nhà phân tích tại Công ty chứng khoán Daewoo, cho rằng: “Một đợt cắt giảm thêm lãi suất cơ bản vẫn có thể giúp kích hoạt một chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập của hộ gia đình tăng lên sẽ nâng cao khả năng trả nợ của họ, tuy nhiên điều này chỉ đúng khi những nguồn thu nhập mới này được sử dụng đúng chỗ thay vì lại được rót vào thị trường nhà đất.”
Về phần mình, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol đã hạ thấp triển vọng cắt giảm thêm lãi suất cơ bản khi cho rằng điều này có thể không phải là một lựa chọn của BOK.
Phát biểu sau cuộc họp hàng tháng về lãi suất của BOK vào ngày 16/2 vừa qua, ông Lee Ju-yeol nói: “Luôn luôn có những tác động cả tích cực và tiêu cực sau mỗi kỳ thay đổi lãi suất, trong bối cảnh hiện tại khi mà các yếu tố bất ổn bên ngoài đang tăng lên thì tác động tích cực của việc thay đổi lãi suất hiện tại là chưa chắc chắn trong khi những ảnh hưởng tiêu là có thể dự kiến được”./.