Đến với Festival Nghề truyền thống Huế 2015, Hàn Quốc, Nhật Bản góp thêm sắc màu hết sức ấn tượng cho lễ hội bằng các nghề thủ công truyền thống lâu đời.
Nếu như nghệ thuật làm tóc truyền thống và nghề gốm của thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) luôn thu hút du khách thì thành phố Saijo (Nhật Bản) mang đến cho lễ hội những sản phẩm truyền thống đặc trưng của mình như bánh gạo, rong biển truyền thống.
Ấn tượng không gian trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống của thành phố Saijo tại số 1 đường Phạm Hồng Thái (thành phố Huế) với các sản phẩm thủ công truyền thống. Ngoài các sản phẩm bánh gạo, rong biển, gian trưng bày búp bê, lồng đèn, phong bì luôn thu hút sự chú ý của du khách và người dân, bởi đó là sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm bằng giấy thủ công truyền thống của Nhật Bản.
Điều thú vị đối với du khách khi đến tham quan tại phòng trưng bày là được tặng bánh gạo, tự mình có thể làm những bức tranh màu trên giấy, hoặc được mặc thử áo Kimono truyền thống Nhật Bản.
Cùng với không gian trưng bày nghệ thuật bằng giấy thủ công truyền thống của Nhật Bản là các tác phẩm của nghệ thuật trên giấy Trúc chỉ-Việt Nam do họa sỹ Phạm Hải Bằng thể hiện. Trúc chỉ là những sản phẩm nghệ thuật được làm bằng thủ công bao gồm những bức tranh trang trí, chiếc nón, đèn lồng, chiếc dù, áo Hoàng Cung rất tinh xảo và có tính ứng dụng rất cao.
Họa sỹ Phạm Hải Bằng chia sẻ Nhật Bản vốn nổi tiếng về nghệ thuật trên giấy nhưng đối với Trúc chỉ còn là một loại hình nghệ thuật ẩn bên trong một tinh thần sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, độc và lạ. Trúc hiện được xem là sản phẩm duy nhất đến thời điểm này chỉ có ở Huế và Việt Nam, đây là niềm tự hào của Huế, đem đến cho người xem những sắc màu văn hóa, là mối giao thoa độc đáo giữa nghề thủ công Việt Nam và Nhật Bản.
Đặc biệt ấn tượng nhất trong không gian trưng bày lần này đó là sự kết hợp trưng bày các tác phẩm thêu của nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh (Huế) cùng với áo Kimono của Công ty Shuie (Nhật Bản). Tại đây, gian trưng bày đã giới thiệu đến công chúng và khách tham quan hàng chục tư liệu quý hiếm và 80 bức tranh thêu nghệ thuật của nghệ nhân Lê Văn Kinh. Bên cạnh có 10 chiếc áo Kimono và 8 chiếc đai Obi quốc phục Nhật Bản; tất cả đều được nghệ nhân Lê Văn Kinh và các học trò của mình ở Huế thực hiện theo mẫu hoa văn truyền thống Kimono.
Theo nghệ nhân Lê Văn Kinh, các sản phẩm áo Kimono và đai Obi được trưng bày ở đây đều được thực hiện từ công đoạn vẽ hình và thêu chỉ màu, chỉ có những người thợ có tay nghề cao mới thực hiện được. Cụ thể như kỹ thuật thêu kép, từng đường kim mũi chỉ phải ngắn lại, cách pha màu tinh tế từ trắng qua xám, từ xám qua trắng pha lẫn vào nhau nên đòi hỏi phải tốn công sức và thời gian, kỹ thuật phải tinh xảo, sau khoảng 1 tháng mới hoàn thiện được một sản phẩm.
Ông Ida Atsushi, Giám đốc Công ty Sheui (Nhật Bản), cho biết một chiếc áo Kimono được thêu bằng thủ công theo yêu cầu để xuất khẩu sang Nhật Bản có giá trên 50.000 USD. Dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân và thợ thủ công ở Huế, sản phẩm kết nối tình bạn hữu giữa ông Ida Atsushi, Giám đốc Công ty Sheui với nghệ nhân Lê Văn Kinh và các học trò của ông nói riêng cũng như thành phố Huế với thành phố cố đô Kyoto Nhật Bản nói chung.
Ở một không gian trưng bày khác trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế là lễ hội rượu Sake Nhật Bản. Đến với lễ hội này, du khách được chứng kiến nghi thức gõ thùng rượu Sake truyền thống. Đây là nghi lễ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Nhật Bản.
Ngoài việc được tìm hiểu, thưởng thức những hương vị nồng ấm của rượu Sake, du khách còn được xem nhiều chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của đất nước Mặt Trời mọc và tham gia các hoạt động như: thưởng thức ẩm thực Nhật Bản, gian hàng lưu niệm sản phẩm Nhật, trò chơi trúng thưởng...
Lễ hội rượu Sake Nhật Bản là một trong những hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu truyền thống Sake được xem là quốc tửu của Nhật Bản đến với đông đảo khách du lịch và người dân Cố đô Huế diễn ra ngay trong khuôn viên lễ hội, suốt thời gian từ 28/4-2/5./.