Hàn Quốc: Lo rủi ro, các doanh nghiệp lớn tăng cường nắm giữ tiền mặt

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt do 278 trong số 500 công ty hàng đầu Hàn Quốc nắm giữ đạt 294.800 tỷ won (219 tỷ USD), tăng gần 27% so với một năm trước đó.
Hàn Quốc: Lo rủi ro, các doanh nghiệp lớn tăng cường nắm giữ tiền mặt ảnh 1Các container hàng hóa tại cảng Busan (Hàn Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc đã gia tăng lượng tiền mặt nắm giữ tới gần 27% trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước đó do không muốn đầu tư trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Theo dữ liệu từ CEO Score công bố ngày 11/10, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt do 278 trong số 500 công ty hàng đầu Hàn Quốc nắm giữ đạt 294.800 tỷ won (219 tỷ USD), tăng 62.200 tỷ won, tương đương 26,8%, so với một năm trước đó.

Lượng tiền mặt nắm giữ của các công ty tăng với tốc độ mạnh so với thu nhập giữ lại chỉ tăng 4,7%, tương đương 52.900 tỷ won, lên 1.189.200 tỷ won trong cùng kỳ.

Thu nhập giữ lại đề cập đến thu nhập tích lũy được của một công ty sau khi trả thuế và cổ tức. Dự trữ cũng bao gồm thặng dư vốn.

[Cường quốc kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi dù xuất khẩu giảm]

Theo giới phân tích, lượng tiền mặt của các doanh nghiệp nắm giữ tăng vọt trong nửa đầu năm có nguyên nhân do các doanh nghiệp lớn vẫn thận trọng về khoản đầu tư mới trong bối cảnh tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng xuất phát từ lo ngại suy thoái kinh tế.

Công ty điện tử Samsung có vốn hóa lớn nhất nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất với 79.900 tỷ won vào cuối tháng Sáu, tăng 102%, tương đương 40.300 tỷ won, so với một năm trước đó. Samsung chiếm 64,8% tổng lợi nhuận nắm giữ tiền mặt của các công ty này trong thời gian một năm.

Nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Hàn Quốc Hyundai Motor Co. và bảy công ty khác cũng đang nắm giữ lượng tiền mặt tăng hơn 1.000 tỷ won trong khoảng thời gian nêu trên. Trong đó tiền mặt của Hyundai Motor tăng 29% lên 20.800 tỷ won.

Nền kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, vẫn trong tình trạng trì trệ trong nửa đầu năm do xuất khẩu sụt giảm và nhu cầu trong nước trì trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục