Hàn Quốc lo ngại các vụ lạm dụng, ngược đãi trẻ em nhập cư gia tăng

Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số trường hợp lạm dụng, ngược đãi trẻ em nhập cư tại nước này đã tăng gấp 2,5 lần trong 5 năm qua.

Người dân trên đường phố ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Người dân trên đường phố ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Dữ liệu ngày 22/4 của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy số vụ lạm dụng trẻ em có nguồn gốc nhập cư ở nước này ngày càng tăng.

Căn cứ vào dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW), số trường hợp lạm dụng, ngược đãi trẻ em nhập cư đã tăng gấp 2,5 lần trong 5 năm qua.

Cụ thể, có 230 trường hợp được ghi nhận hồi năm 2018, 346 trường hợp được phát hiện trong năm 2019, 407 trường hợp hồi năm 2020, 576 trường hợp trong năm 2021 và 596 trường hợp trong năm 2022.

Trong số trường hợp trên, số trẻ em nhập cư bị lạm dụng được xác nhận cũng tăng từ 175 trường hợp trong năm 2018 lên 386 trường hợp hồi năm 2022, tăng 120%. Khoảng 80% thủ phạm của những vụ lạm dụng này là cha, mẹ và người thân.

Tại Hàn Quốc, theo Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến trừng phạt tội phạm lạm dụng trẻ em, những người phạm tội này ở tuổi vị thành niên có thể bị tách riêng khỏi những người phạm tội lần đầu nếu có nguy cơ tái phạm đáng kể và sắp tái phạm tội danh này.

Trong những trường hợp đó, những trẻ em là nạn nhân của các vụ lạm dụng trên có thể được đưa vào nơi tạm trú và được hưởng tiền trợ cấp sinh hoạt.

Tuy nhiên, trẻ em có quốc tịch nước ngoài có thể không được hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ này vì được xác định là không có đủ điều kiện để được áp dụng những biện pháp trên theo luật định.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc khuyến nghị các chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính cho những trẻ em bị lạm dụng có quốc tịch nước ngoài bằng ngân sách của riêng mình.

Do đó, số tiền trợ cấp được cung cấp cho những nạn nhân này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương.

Cũng theo nghị sỹ John C. Lee Jasmine, trẻ em nhập cư đặc biệt dễ bị lạm dụng tại nơi ở của những trẻ em này do lo sợ rằng quy chế cư trú hợp pháp có thể bị đe dọa nếu việc lạm dụng của cha mẹ được báo cáo với chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục