Hàn Quốc không chịu nhiều ảnh hưởng từ vụ phá sản của SVB

Ngân hàng Kookmin có tỷ lệ các khoản cho vay trên tiền gửi là 99,5%, ngân hàng Shinhan là 95,9%, ngân hàng Woori là 96,3%, ngân hàng Nonghyup là 92% và ngân hàng Hana là 91,6%.
Hàn Quốc không chịu nhiều ảnh hưởng từ vụ phá sản của SVB ảnh 1Khách hàng chờ chi nhánh của ngân hàng SVB ở Santa Clara, California, Mỹ mở cửa ngày 13/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn số liệu của Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) công bố mới đây cho thấy, tính tới quý 3/2022, tổng các khoản cho vay của các ngân hàng lớn của Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng lượng tiền gửi.

Ngân hàng Kookmin có tỷ lệ các khoản cho vay trên tiền gửi là 99,5%, ngân hàng Shinhan là 95,9%, ngân hàng Woori là 96,3%, ngân hàng Nonghyup là 92% và ngân hàng Hana là 91,6%.

Theo FSS, khi tiền gửi tăng, các ngân hàng sẽ chuyển đổi tiền gửi thành các khoản cho vay, duy trì được lợi nhuận ổn định từ chênh lệch lãi suất. Ngoài ra, các ngân hàng của Hàn Quốc có tỷ trọng đầu tư trái phiếu, cổ phiếu không cao. 

Trong quý 3/2022, tỷ trọng đầu tư trái phiếu, cổ phiếu của Shinhan chỉ chiếm 18,7% tổng tài sản. Tỷ lệ này của Nonghyup là 17,8%, Kookmin là 16,2%, Hana là 16% và Woori là 15,9%. Các tỷ lệ này đều thấp hơn nhiều lần nếu so với ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) vốn đã đầu tư hơn một nửa tổng tài sản vào các loại chứng khoán có giá.

Điều này cũng có nghĩa là các ngân hàng ở Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng lớn về tổng tài sản dù lãi suất tăng kéo giá các loại chứng khoán có giá lao dốc. Nói cách khác, ít có khả năng các ngân hàng tại Hàn Quốc sẽ rơi vào tình cảnh sụp đổ như SVB vốn bị thiệt hại lớn do chứng khoán mất giá dẫn tới việc khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.

Phát biểu tại cuộc họp của các chuyên viên phụ trách xuất khẩu và đầu tư ngày 13/3 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) Choo Kyung-ho cho biết hiện có nhiều luồng ý kiến nhận định rằng vụ SVB phá sản sẽ không trở thành “rủi ro lớn” gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu.

Ông Choo cũng nhấn mạnh thêm rằng các cơ quan chức năng (gồm Bộ Tài chính Mỹ) đang ứng phó nhanh chóng như đưa ra biện pháp bảo vệ nguyên vẹn mọi khoản tiền gửi tại SVB bất kể kỳ hạn.

Tuy nhiên, thị trường tài chính và nền kinh tế thực Hàn Quốc có thể gặp một số ảnh hưởng xấu do tình hình sắp tới còn nhiều bất ổn. Do đó, MOEF sẽ cùng các bộ ngành hữu quan tăng cường theo dõi theo thời gian thực và ứng phó kịp thời để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Seung-heon lại cho rằng, xét đến việc các ngân hàng Mỹ đã cải thiện tính lành mạnh và việc Bộ Tài chính Mỹ cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra giải pháp bảo vệ toàn bộ số tiền gửi đã cho thấy vụ phá sản trên sẽ không gây ra nguy cơ lớn đến hệ thống tài chính Mỹ.

[HSBC mua chi nhánh SVB tại Anh nhằm bảo vệ khách hàng]

Tuy nhiên, vụ việc lần này có thể gia tăng biến động của thị trường tài chính thế giới, tùy theo ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). BoK sẽ theo dõi kỹ lưỡng ảnh hưởng của vụ phá sản lên giá cổ phiếu, tỷ giá hối đoái và lãi suất trong nước để đưa ra các giải pháp thích hợp để bình ổn thị trường.

Liên quan đến tác động ảnh hưởng từ vụ phá sản của SVB, chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) trong phiên giao dịch 14/3 đã giảm hơn 2%. KOSPI khép lại phiên giao dịch cùng ngày ở mức 2.348,97 điểm, giảm 61,63 điểm (2,56%) so với phiên của ngày hôm trước.

Trên sàn KOSPI, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đầu tư mua ròng lần lượt 567,2 tỷ won (433 triệu USD) và 22,8 tỷ won trong khi các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng 638,3 tỷ won, kéo thị trường giảm điểm.

Chỉ số của sàn giao dịch KOSDAQ đóng cửa ở mức 758,05 điểm, giảm 30,84 điểm (3,91%). Trên sàn này, các nhà đầu tư cá nhân mua ròng 509,8 tỷ won còn nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức đầu tư lần lượt bán ròng 244,2 tỷ won và 261 tỷ won. Tại thị trường ngoại hối Seoul, tỷ giá won/USD đóng cửa ở mức 1.311,1 won đổi 1 USD, tăng 9,3 won so với phiên của ngày hôm trước.

Tuy nhiên, có thể nói việc cả 2 chỉ số chứng khoán trên giảm điểm được giới chuyên gia phân tích nhận định là do tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng sau vụ phá sản của SVB và nối tiếp là Signature Bank, ngân hàng tiền kỹ thuật số có trụ sở tại New York, làm dấy lên lo ngại các ngân hàng quy mô nhỏ khác cũng có thể gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc hai chỉ số giảm còn được phân tích là do tâm lý cảnh giác về chỉ số CPI tháng 2/2023 mà Mỹ dự kiến công bố vào đêm 14/3 (giờ Hàn Quốc)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục