Ngày 9/9, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết nước này sẽ thiết lập lộ trình chi tiết và thực tế cho quá trình phát triển động cơ phản lực của riêng mình vào cuối năm nay.
Phát biểu trong một hội thảo tại tòa nhà văn phòng của các thành viên Quốc hội ở Yeouido, phía Tây Seoul, người đứng đầu DAPA Seok Jong Gun nêu rõ việc phát triển động cơ máy bay vẫn còn phức tạp, do các quốc gia giữ kín thông tin kỹ thuật.
Hàn Quốc sẽ phải tự nỗ lực thực hiện với nguồn lực tập trung từ cả chính phủ, quân đội, các tập đoàn và giới học giả.
Ông Seok Jong Gun cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc tin tưởng rằng các động cơ dành cho máy bay chiến đấu do Hàn Quốc tự sản xuất sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường an ninh quốc gia.
Hội thảo trên do nghị sỹ Ahn Gyu Baek của đảng Dân chủ chủ trì. Tham dự sự kiện có khoảng 100 chuyên gia, các nhà lập pháp, quân nhân, học giả và đại diện một số doanh nghiệp.
Các đại biểu đã thảo luận về năng lực phát triển động cơ máy bay chiến đấu của Hàn Quốc hiện nay cũng như những cách thức để thúc đẩy tiến độ sản xuất loại động cơ này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lee Hong Chul, Giám đốc Viện Công nghệ hàng không vũ trụ thuộc Không quân Hàn Quốc, cho biết quân đội Mỹ đang trong quá trình phát triển động cơ mới nhất để cải thiện hiệu suất của máy bay chiến đấu F-35.
Tuy nhiên, hầu như không có khả năng họ sẽ cung cấp cho Hàn Quốc., dù nhu cầu sở hữu động cơ riêng của Seoul đang tăng lên.
Trong khi đó, theo ông Kim Won Wook, người đứng đầu bộ phận động cơ hàng không tiên tiến tại công ty tư nhân Hanwha Aerospace, năng lực kỹ thuật động cơ hiện tại của Hàn Quốc chỉ bằng khoảng 75% so với những quốc gia đã sở hữu động cơ riêng.
Hiện công ty Hanwha Aerospace đã có kinh nghiệm sản xuất hơn 10.000 động cơ máy bay và cũng đã điều hành các trung tâm nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ để nâng cao công nghệ của Hàn Quốc.
Theo thống kê, trên thế giới hiện có không quá 10 quốc gia có khả năng tự phát triển động cơ máy bay và các nước này đều bảo vệ công nghệ của họ rất chặt chẽ thông qua các hướng dẫn nghiêm ngặt trong xuất khẩu.
Những máy bay của Hàn Quốc như KF-21 và KUH-1 Surion được trang bị động cơ nước ngoài nhưng phải tuân theo các quy tắc rất phức tạp trong quá trình xuất khẩu động cơ.
Hồi tháng 7/2023, DAPA đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên phát triển động cơ phản lực. Lực lượng này đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu để phát triển động cơ có thể tạo lực đẩy ít nhất 15.000 pound (6,8 tấn)./.
Hàn Quốc bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu KF-21
Hàn Quốc đã khởi động chương trình phát triển KF-21 từ năm 2015 với mục đích thay thế phi đội tiêm kích F-5 do Mỹ sản xuất đã cũ kỹ bằng một loại máy bay chiến đấu siêu thanh tiên tiến.