Hàn Quốc: Hơn 6.400 bác sỹ trên cả nước đồng loạt nộp đơn xin thôi việc

Đây là hành động tập thể của các bác sỹ trên khắp Hàn Quốc nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y đến năm 2025.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện đa khoa ở Gwangju, Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Theo hãng thông tấn Yonhap, dịch vụ y tế tại 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất thủ đô Seoul của Hàn Quốc bị gián đoạn một phần trong ngày 20/2 sau khi các bác sỹ thực tập và bác sỹ nội trú không đến làm việc.

Đây là hành động tập thể của các bác sỹ trên cả nước nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y đến năm 2025.

Theo thông báo, hơn 6.400 bác sỹ thực tập và bác sỹ nội trú trên cả nước đã đồng loạt nộp đơn xin thôi việc.

Trong số này, khoảng 1.600 bác sỹ không đến làm việc trong ngày 20/2 gây lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng y tế toàn quốc.

Trong ngày 20/2, hành lang chính của Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul hoàn toàn yên ắng, khác hẳn khung cảnh thường ngày ở một bệnh viện đa khoa đông đúc nhất Seoul.

Tình hình cũng tương tự ở các Bệnh viện St Mary và Bệnh viện Severance ở Tây và Nam Seoul.

Trong khi đó, nhiều bệnh viện hoãn hoặc xếp lại lịch phẫu thuật và các hoạt động khác để đề phòng trường hợp xảy ra đình công. Nhiều bệnh nhân trong tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp phải xếp hàng dài ngoài các bệnh viện.

Nhằm hỗ trợ giảm thiểu tình trạng gián đoạn nghiêm trọng dịch vụ y tế công, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho phép 12 bệnh viện quân y trên toàn quốc mở cửa khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân dân sự.

Trước đây, các khoa cấp cứu quân y vẫn tiếp nhận bệnh nhân dân sự nhưng quy trình thường phức tạp do có nhiều bước kiểm tra an ninh.

Bộ Quốc phòng cũng đang xem xét các biện pháp khác trong trường hợp tình hình xấu đi, ví dụ cho phép bệnh viện quân y khám ngoại trú hoặc cử nhân viên quân y đến các bệnh viện công.

Giải thích về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y, chính phủ Hàn Quốc cho rằng đây là việc làm cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn và trong các lĩnh vực y tế thiết yếu như phẫu thuật rủi ro cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Tuy nhiên, theo các bác sỹ, chính phủ đã không tham vấn giới chuyên môn đầy đủ, và bước đi này sẽ giảm làm chất lượng của giáo dục y tế và dịch vụ y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục