Chiều 4/2, gia đình các nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở Itaewon đã đụng độ với cảnh sát ở trung tâm Seoul khi những người này xuống đường biểu tình và lập một bàn thờ tưởng niệm tại quảng trường Seoul Plaza mà không được sự chấp thuận của chính quyền.
Khoảng 1.000 người, trong đó có khoảng 150 người thân trong gia đình các nạn nhân thiệt mạng, bắt đầu diễu hành từ nơi lập bàn thờ tưởng niệm ở ga Noksapyeong, gần nơi xảy ra thảm kịch hôm 29/10/2022, khiến 159 người thiệt mạng.
Ban đầu, gia đình các nạn nhân dự định tổ chức sự kiện tại quảng trường Gwanghwamun và dựng bàn thờ tưởng niệm tại đây.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã từ chối yêu cầu và cơ quan cảnh sát đã điều động khoảng 3.000 nhân viên tới khu vực quảng trường Gwanghwamun.
Giữa cuộc tuần hành, gia đình các nạn nhân và những người tham gia biểu tình đột ngột dựng một đài tưởng niệm tạm thời tại Seoul Plaza trước Tòa Thị chính, nằm trên đại lộ Sejong.
Do đó, những người biểu tình và cảnh sát đã đụng độ trong một khoảng thời gian ngắn khi cảnh sát và khoảng 70 quan chức thành phố Seoul cố ngăn cản người biểu tình dựng đài tưởng niệm.
Hệ quả là một thành viên gia đình nạn nhân đã bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện gần đó.
Cuối cùng, đài tưởng niệm đã được lập vào khoảng 14h10, thu hút sự chú ý của khoảng 5.000 người, chiếm 4/6 làn đường của đại lộ Sejong.
Trước đó, ngày 13/1, Cảnh sát Hàn Quốc đã đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra vụ giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn tất cuộc điều tra kéo dài một tháng về thảm kịch làm 159 người thiệt mạng này.
Ông Shon Je-han, người đứng đầu nhóm điều tra, cho biết việc thiếu chuẩn bị và phản ứng không thích đáng là nguyên nhân chính gây ra vụ giẫm đạp nói trên.
Ông nhấn mạnh: "Việc đánh giá sai tình hình, sự chậm trễ trong việc chia sẻ thông tin và thiếu hợp tác giữa các cơ quan liên quan đã khiến số người thương vong cao."
[Tổng thống Yoon Suk-yeol và phu nhân tham dự tưởng niệm các nạn nhân]
Theo ông Shon, chính quyền, trong đó có cảnh sát, đã không áp dụng các biện pháp an toàn cho dù nguy cơ mất an toàn cao khi các đám đông người tập trung lại và sau đó đã không áp dụng các biện pháp thích đáng sau khi nhận được những cuộc gọi kêu cứu.
Nhóm điều tra đã chuyển hồ sơ của 23 người, trong đó có người đứng đầu Sở Cảnh sát thủ đô Seoul, sang cơ quan công tố.
Ông Lee Jong-chul, người đứng đầu nhóm đại diện cho các gia đình có người bị thiệt mạng trong thảm họa trên, tuyên bố: "Chúng tôi có nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Chúng tôi đến đây để đưa ra tuyên bố đại diện cho các nạn nhân với hy vọng về một cuộc điều tra mở rộng, tốt hơn."
Tối 29/10/2022, ước tính khoảng 100.000 người đã đổ xô đến các con phố ở khu Itaewon để tham gia lễ hội Halloween, lễ hội lớn nhất trong nhiều năm sau khi các hạn chế COVID-19 được nới lỏng.
Tuy nhiên, lễ hội nhanh chóng trở thành thảm họa sau khi đám đông đổ về con hẻm dốc gần khách sạn Hamilton, khiến nhiều người ngạt thở vì chen lấn và giẫm đạp làm 159 người thiệt mạng.
Đây là thảm kịch khiến nhiều người chết vì bị giẫm đạp nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Liên quan đến thảm kịch này, chiều 3/11/2022, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, cho biết thông tin về tình hình bảo hộ công dân Việt Nam sau thảm kịch tại Itaewon, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ đến nay, đã xác nhận một công dân Việt Nam sinh năm 2001 thiệt mạng và một công dân khác bị thương trong vụ tai nạn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chủ động và kịp thời triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân như thăm hỏi, đến viếng và hỗ trợ xử lý các vấn đề hậu sự theo nguyện vọng của gia đình công dân.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đến chiều 2/11/2022, thi thể của nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này đã được đưa về Việt Nam./.