Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.009.023 ca mắc và 3.073 ca tử vong. Hàn Quốc, Pháp, Đức là 3 nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 210.676 ca, 190.762 ca và 164.628 ca.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 17/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 13/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đến nay đã vượt 500 triệu ca (500,81 triệu ca), trong đó có 6.209.100 ca tử vong. Số ca hồi phục hồi là 450,86 triệu ca.

Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch hoành hành, tổng số ca mắc COVID-19 vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021, 200 triệu ca vào ngày 4/8, 300 triệu ca vào ngày 6/1/2022, 400 triệu ca vào ngày 8/2/2022.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 82.131.574 ca mắc và 1.013.017 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 521.746 ca tử vong trong số 43.037.388 mắc. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 30.183.929 ca mắc và 661.552  ca tử vong.

[17% người mắc bệnh không trở lại làm việc vì tác động hậu COVID-19]

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.009.023 ca mắc và 3.073 ca tử vong.  Hàn Quốc, Pháp, Đức là 3 nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 210.676 ca, 190.762 ca và 164.628 ca.

Trước nguy cơ khó lường của dịch COVID-19 song với sự bảo vệ của vaccine, các nước đang dần sống chung với đại dịch này vừa khôi phục cuộc sống, sinh hoạt thường nhật, vừa mở rộng các chương trình tiêm chủng để nâng cao khả năng phòng bệnh cho người dân.

Hội đồng giám sát tiêm chủng Canada (NACI) ngày 12/4 khuyến nghị tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường đầu tiên đối với toàn bộ người trên 18 tuổi, và thanh thiếu tiên tuổi từ 12 đến 17 nếu gặp vấn đề về sức khỏe và có nguy cơ trở nặng nếu mắc COVID-19.

Theo NACI, mũi tiêm tăng cường nên được tiêm ít nhất 6 tháng sau chương trình tiêm chủng cơ bản.

Ngày 12/4, Italy đã bắt đầu tiến hành tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4 cho những người trên 80 tuổi, các thành viên trong nhà dưỡng lão và những người trên 60 tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh vào tuần trước.

Giới chức y tế Chile thông báo kể từ ngày 14/4 tới nước này sẽ không yêu cầu du khách nước ngoài nhập cảnh vào Chile bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Cristobal Cuadrado cho biết những du khách nước ngoài không có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản vẫn có thể nhập cảnh vào Chile song sẽ không được cấp giấy phép thực hiện một số hoạt động công cộng như vào các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc phòng tập thể thao.

Ngoài ra, việc xét nghiệm COVID-19 trước các chuyến bay cũng sẽ không bị bắt buộc, song "khách du lịch không cư trú tại Chile có thể bị kiểm tra ngẫu nhiên khi nhập cảnh vào nước này" và sẽ cần điền thông tin vào tờ khai y tế.

Cuối tuần qua, cơ quan chức năng Chile cũng thông báo quyết định mở toàn bộ các cửa khẩu đường bộ kể từ tháng Năm tới.

Hiện nay Chile mới chỉ mở lại các cửa khẩu đường không và một số cửa khẩu được bộ chính với một số nước láng giềng.

Cùng với đó, Chile cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại 14 trong tổng số 16 vùng và chỉ duy trì biện pháp này tại các vùng Arica và Tarapaca ở cực Bắc của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục