Bộ Khoa học Hàn Quốc ngày 10/9 đã quyết định lùi thời điểm phát triển tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng vào tháng 7/2020 (gần 2 năm so với dự kiến), đồng thời tăng cường quy mô các cuộc thử nghiệm về hiệu quả của tàu thăm dò này theo yêu cầu của giới khoa học trong nước.
Trưởng Ban Khoa học và Vũ trụ thuộc Bộ Khoa học Hàn Quốc Choi Won-ho cho biết: "Quyết định này do Ủy ban Vũ trụ Quốc gia đưa ra, kèm với đó là thời gian bổ sung để thực hiện một số thay đổi trong dự án này."
Ban đầu, Seoul muốn hoàn tất chế tạo một tàu thăm dò nặng 550kg vào cuối năm 2020 và tàu này sẽ bay trong 12 tháng theo quỹ đạo tròn quanh vệ tinh của Trái Đất.
Tuy nhiên, sau khi ghi nhận các ý kiến từ giới khoa học, Ủy ban Vũ trụ Quốc gia quyết định tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc nặng 678 kg và sẽ được lập trình để bay 9 tháng (trong vòng đời hoạt động 12 tháng của tàu này) theo một quỹ đạo hình elip, trong đó tối đa hóa phạm vi thăm dò mà tàu có thể thực hiện.
[Tàu vũ trụ của Ấn Độ gửi về bức ảnh đầu tiên chụp Mặt Trăng]
Bộ Khoa học Hàn Quốc đang đàm phán với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) về dự định đặt một cảm biến trên quỹ đạo và công ty vận tải vũ trụ SpaceX sẽ đảm nhận nhiệm vụ phóng tàu thăm dò này.
Dự án phát triển tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng trị giá hơn 197,8 tỷ won (hơn 166 triệu USD) được Hàn Quốc bắt đầu được xúc tiến từ tháng 1/2016.
Theo kế hoạch, tàu thăm dò này sẽ được trang bị một loạt máy ảnh, cảm biến và máy quang phổ để thu thập dữ liệu trên Mặt Trăng cũng như tiến hành các thử nghiệm kết nối không gian.
Nếu thành công, Hàn Quốc sẽ tiếp bước Nga, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ trở thành "ông lớn" trong lĩnh vực không gian, có tàu vũ trụ đặt trên một quỹ đạo quanh Mặt Trăng./.