Hàn Quốc là nước thứ hai trên thế giới bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chỉ sau Trung Quốc, và cũng là nước mà dịch "hoành hành" ở đa số các tỉnh thành lâu nhất cho tới nay nếu xét về thời gian.
Trong hơn một năm rưỡi qua, Chính phủ Hàn Quốc đã có lúc hứng chịu những lời chỉ trích về cách chống dịch của mình, song nhìn tổng thể, Hàn Quốc là một trong số rất ít quốc gia thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có lẽ có nhiều điều để nói, đề bàn và học hỏi kinh nghiệm từ cách phòng chống đại dịch của Hàn Quốc.
Tỷ lệ tử vong thấp, kinh tế tăng trưởng tích cực
Tính tới ngày 22/8, tổng số ca COVID-19 ở Hàn Quốc là 236.366 ca. Nhìn chung, số ca bệnh mới dao động ở mức vài trăm ca cho tới nhiều nhất là 2.222 ca/ngày (ngày 11/8/2021), không có ngày nào không phát hiện thêm ca nhiễm.
Tuy nhiên, có lẽ kết quả chống dịch thành công nhất của Hàn Quốc so với các nước trên thế giới, kể cả các nước giàu có và phát triển hơn, là tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc rất thấp, theo kết quả phân tích số liệu từ ngày 9-15/8, tỷ lệ này chỉ khoảng 0,7 ca trên 1 triệu dân.
[Mỹ, Hàn Quốc thảo luận cách phục hồi nhanh chuỗi cung ứng]
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong bởi COVID-19 ở các nước đã tiêm chủng được hơn 50% dân số (cao hơn tỷ lệ ở Hàn Quốc) như Mỹ là 12,8 ca; Israel với tỷ lệ tiêm chủng đạt khoảng 60% là 8 ca, Anh vởi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Israel một chút là khoảng 9 ca.
Từ khi có dịch bệnh cho tới nay, hầu như số ca tử vong mỗi ngày bởi đại dịch ở xứ sở kim chi chỉ dưới 10 ca, hiếm khi trên 10 ca và con số này đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Số ca tử vong thấp cho thấy hệ thống y tế của Hàn Quốc vẫn đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân.
Bên cạnh kết quả chống dịch tương đối khả quan so với phần còn lại của thế giới, số liệu còn cho thấy Hàn Quốc vẫn phát triển kinh tế khá tốt và đảm bảo được an sinh xã hội.
Năm 2020, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng cao thứ ba trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và dự kiến năm nay tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đạt 4,3%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Những giải pháp hiệu quả
Trên thực tế, kể cả những lúc dịch bệnh lây lan mạnh buộc Chính phủ nước này phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận hay ở Busan, thành phố lớn nhất miền Nam, thì nền kinh tế Hàn Quốc chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn.
Các huyết mạch kinh tế vẫn hoạt động, chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa chưa bao giờ bị đứt gãy, có chăng chỉ bị ảnh hưởng ở chỗ này hay chỗ kia và trong một thời gian ngắn.
Giãn cách xã hội song các cơ quan, văn phòng, nhà máy, công xưởng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, quán ăn, dịch vụ chuyển phát hàng hóa vẫn hoạt động (chỉ giới hạn số người, thời gian hoạt động, khai báo y tế và kết hợp với các biện pháp phòng lây nhiễm khác như sử dụng máy lọc không khí diệt khuẩn, nước rửa tay, phun chất hay dùng màng bọc diệt khuẩn, đeo khẩu trang…).
Tuy nhiên, để không phải phong tỏa hoàn toàn như vậy, Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp khác để kiểm soát dịch bệnh, truy vết hiệu quả các ca lây nhiễm dựa trên sức mạnh công nghệ thông tin và hệ thống xét nghiệm thần tốc.
Người ra vào các cửa hàng, công sở, nhà máy… đều phải quét mã QR, lưu lại số điện thoại liên lạc để cơ quan y tế có thể thông báo đi làm xét nghiệm khi trở thành F1 hay F2.
Hay qua vị trí điện thoại di động, lịch sử sử dụng thẻ ngân hàng, camera quan sát…, cơ quan phòng dịch Hàn Quốc nhanh chóng xác định được những người đã tiếp xúc F0.
Ngoài các bệnh viện nhà nước và tư nhân, các cơ sở xét nghiệm COVID-19 được thiết lập ở nhiều nơi, tại các địa phương (kể cả bên lề đường) để tạo điều kiện dễ dàng và nhanh nhất cho việc xét nghiệm diện rộng miễn phí.
Người dân, kể cả người nước ngoài không có giấy tờ cư trú hợp pháp, được khuyến khích đi xét nghiệm khi có biểu hiện lây nhiễm. Người đi xét nghiệm chỉ cần để lại số điện thoại liên lạc mà không cần khai báo các thông tin cá nhân khác nếu không muốn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép sử dụng một số loại xét nghiệm nhanh tại nhà. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, bệnh nhân nhẹ có thể được chữa trị ở nhà theo sự hướng dẫn từ xa của đội ngũ y tế.
Trong trường hợp bệnh chuyển nặng, các F0 này sẽ được đưa vào bệnh viện chăm sóc với đầy đủ các thiết bị y tế và thuốc tốt nhất hiện có (trong đó có các thuốc điều trị COVID-19 do Hàn Quốc tự nghiên cứu sản xuất).
Hàn Quốc miễn phí điều trị COVID-19 với người tham gia bảo hiểm y tế (kể cả người nước ngoài) và áp dụng “chế độ tương hỗ,” nếu công dân Hàn Quốc ở nước ngoài được điều trị miễn phí thì công dân nước đó cũng sẽ được hỗ trợ chi phí xét nghiệm và điều trị khi ở Hàn Quốc.
Người dân Hàn Quốc được cập nhật thường xuyên về tình hình dịch bệnh tại địa phương mình sinh sống, thời gian và địa điểm mà các F0 lui tới, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và có thể rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn ở mọi nơi.
Các biện pháp giãn cách xã hội dựa trên sự tự giác và tinh thần trách nhiệm của người dân, được chia thành các cấp độ và áp dụng tùy thuộc vào diễn biến dịch và khả năng y tế của từng địa phương.
Và khi đã đưa ra các quy định thì tất cả cơ quan, tổ chức và dân chúng đều phải tuân thủ; những người vi phạm đều bị phạt tiền.
Định hướng từ chính phủ
Ngoài các biện pháp kiểm dịch trên, Chính phủ Hàn Quốc đã và đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân, kể cả người nước ngoài, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã nỗ lực vận động các công ty sản xuất và Chính phủ các nước còn dư vaccine cung cấp hay cho vay vaccine (trả sau) để đảm bảo nguồn cung trước mắt cho chiến dịch tiêm vaccine diện rộng của mình, bắt đầu từ các nhân lực thiết yếu, đội ngũ y tế, giáo viên và người trên 60 tuổi, rồi sau đó mới tới người từ 18-60 tuổi.
Chính phủ cũng thiết lập thêm nhiều cơ sở tiêm chủng và có chính sách khuyến khích và tuyên truyền người dân đi tiêm phòng, bồi thường cho những người gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng…
Do không phải phong tỏa hoàn toàn nên Hàn Quốc vẫn duy trì các hoạt động kinh tế, trong đó có sản xuất phục vụ xuất khẩu. Và để tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân gặp khó khăn, Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị Quốc hội nước này bổ sung ngân sách hỗ trợ và cứu trợ nhiều đợt, với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ won.
Đại dịch COVID-19 kéo dài với sự xuất hiện của nhiều biến thể nguy hiểm hơn nên thế giới cũng buộc phải thích ứng với tình hình mới, trong khi giới khoa học thúc đẩy sản xuất vaccine và các loại thuốc điều trị hiệu quả.
Phong tỏa hoàn toàn đất nước trong một thời gian dài (vài năm) có thể sẽ dẫn đến các hệ lụy kinh tế-xã hội khác.
Do vậy, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế là giải pháp mà Chính phủ Hàn Quốc lựa chọn thực hiện./.