Thời gian qua, Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, Hàn Quốc đã công bố kết quả một công trình nghiên cứu cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2013 là 854 USD, chỉ bằng 3,6% so với mức thu nhập 23.838 USD của một người dân Hàn Quốc.
Trong bản báo cáo công bố ngày 18/3 vừa qua với tựa đề “Đánh giá GDP của Triều Tiên năm 2013,” Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai cho biết mặc dù thu nhập bình quân đầu người/GDP của Triều Tiên trong năm ngoái đã 4,8% tương ứng với mức tăng 39 USD so với năm trước đó, tuy nhiên mức thu nhập này “vẫn còn kém xa so với các nước xã hội chủ nghĩa khác” như Trung Quốc (6.569 USD), Việt Nam (1.869 USD) và Lào (1.490 USD) mà chỉ tương đương các nước như Bangladesh (899 USD) và Myanmar (915 USD).
Sản lượng trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác, chế tạo và thương mại của Triều Tiên chỉ tương đương với mức của Hàn Quốc trong những năm đầu thập niên 1970. Tính đến năm 2012, sản lượng hàng năm của mỗi hộ gia đình nông nghiệp ở Triều Tiên đạt khoảng 0,5 tấn, gần như tương đương với mức sản lượng 0,48 tấn của Hàn Quốc vào năm 1970. Tỷ lệ dân số tham gia sản xuất nông nghiệp trong tổng dân số của Triều Tiên là 36,8%, tương đương với khoảng 8,5 triệu dân.
Sản lượng ximăng và phân bón hóa học của Triều Tiên lần lượt là 6,446 triệu tấn và 476.000 tấn, tương đương với mức 5,822 triệu tấn và 590.000 tấn của Hàn Quốc vào năm 1970. Sản lượng thép và ôtô ở Triều Tiên hiện nay tương ứng chỉ bằng 1,8% và 0,1% của Hàn Quốc.
Do chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và sự khép kín của nền kinh tế, kim ngạch thương mại của Triều Tiên với các nước khác trở nên quá ít ỏi. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nước này tương ứng chỉ là 2,88 tỷ USD và 3,93 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch thương mại của nước này chỉ tương đương 0,6% của Hàn Quốc.
Ông Kim Cheong-gu, chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu trên cho biết do khoảng cách kinh tế giữa miền Nam và miền Bắc của bán đảo Triều Tiên ngày càng mở rộng nên trong trường hợp hai miền đi đến thống nhất, gánh nặng kinh tế cho Hàn Quốc sẽ ngày càng lớn hơn. Để thu hẹp khoảng cách này, ông Kim Cheong-gu đề xuất xây dựng các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất thép, lọc dầu, phát điện và cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo để cung cấp lương thực và thuốc men cho trẻ em Triều Tiên./.