Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đã đăng bài bình luận cho rằng với tham vọng đạt được tiến bộ cả trong quan hệ liên Triều lẫn việc tiếp nhận chuyển giao Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON), chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như đang gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch cho cuộc tập trận chung với Mỹ vào mùa Xuân tới.
Theo nhận định của giới chuyên gia, do mong muốn hòa giải quan hệ với Triều Tiên, Seoul phải cân nhắc đến việc tạm dừng hoặc thu nhỏ quy mô các cuộc tập trận chung thường niên Hàn Quốc-Mỹ - cuộc tập trận vốn luôn bị Triều Tiên cáo buộc là "diễn tập cho một cuộc xâm lược."
Tuy nhiên, để có đủ điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận OPCON, Hàn Quốc cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực hiện một loạt cuộc diễn tập quy mô lớn với quân đội Mỹ để "chứng minh" năng lực tiếp nhận của mình.
Việc chuyển giao OPCON, được coi là sự khôi phục chủ quyền quân sự của quốc gia, là một trong những "dự án lớn" của chính quyền Moon Jae-in và họ muốn được tiếp quản trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2022. Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in cũng dành ưu tiên cho việc "thu hút" sự quan tâm của Bình Nhưỡng thông qua các "nỗ lực hòa bình" của mình.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hiện giới chức quân sự hai nước đang đàm phán về cách thức và quy mô cuộc diễn tập quân sự chung dự kiến diễn ra vào tháng Ba tới.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội (tháng 2/2019) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, Seoul và Washington đã điều chỉnh số lượng và quy mô các cuộc tập trận chung thường niên để tránh "kích động" Triều Tiên, đồng thời khôi phục các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa vốn đang bị đình trệ.
Tháng 3/2019, liên quân Hàn Quốc-Mỹ đã thay thế cuộc tập trận thường niên mang tên "Key Resolve" (Giải pháp then chốt) bằng một cuộc tập trận chỉ huy điều khiển mô phỏng (CPX) mang tên "Dong Maeng" (Đồng minh), đồng thời tạm dừng cuộc tập trận "Foal Eagle" (Đại bàng non) huấn luyện trên thực địa bằng cuộc tập trận mô phỏng tình huống trên máy tính. Ngoài ra, cuộc tập trận chung trên không của liên quân Hàn Quốc-Mỹ mang tên "Max Thunder" cũng đã bị loại bỏ.
[Hàn Quốc-Mỹ tiến hành tập trận không quân trong bối cảnh dịch COVID-19]
Tuy nhiên, cho dù liên quân Hàn Quốc-Mỹ đã giảm quy mô và số lượng các cuộc tập trận chung thường niên kể từ tháng 3/2019, Triều Tiên vẫn "đáp trả mạnh mẽ" với việc tiếp tục "phô trương lực lượng" phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng đã phàn nàn về cuộc tập trận chung của liên quân Hàn Quốc-Mỹ trong cuộc gặp chớp nhoáng với ông Trump tại làng đình chiến Panmunjeom vào tháng 6/2019.
Ở khía cạnh này, chính quyền ông Kim Jong-un có thể tiến hành một cuộc khiêu khích quân sự nếu Hàn Quốc và Mỹ thực hiện một cuộc tập trận chung, và động thái đó sẽ giáng một đòn mạnh vào chính quyề ông Moon Jae-in khi mà chính quyền này coi nửa đầu năm 2021 là cơ hội cuối cùng trong phần còn lại của nhiệm kỳ để hiện thực hóa sáng kiến hòa bình, khôi phục quan hệ bình thường với Triều Tiên.
Phó Giáo sư Ramon Pacheco Pardo - làm việc tại Khoa Quốc tế, trường Đại học King London (Anh), thành viên Ủy ban EU Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP), Chủ tịch KF-VUB Korea (Chương trình nghiên cứu Hàn Quốc) tại trường Đại học Vrije Brussel (Vương quốc Bỉ) - nói: "Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng Triều Tiên sẽ chỉ trích bất kỳ cuộc tập trận nào của liên quân Hàn-Mỹ nếu diễn ra."
Tuy nhiên, kế hoạch thu hẹp quy mô hoặc đình chỉ các cuộc tập trận chung của liên quân Hàn Quốc-Mỹ lại có thể làm gián đoạn lịch trình của chính quyền Moon Jae-in trong việc tiếp quản OPCON.
Quá trình chuyển giao OPCON bao gồm việc bổ nhiệm một tướng 4 sao Hàn Quốc nắm quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh lực lượng chung (CFC), đồng thời duy trì Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) dưới quyền điều hành của một tướng Mỹ với vai trò "hỗ trợ."
Hiện cả CFC và UNC được đặt dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh liên quân Hàn Quốc-Mỹ (USFK). Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải kiểm chứng năng lực tác chiến toàn diện (FOC) của quân đội Hàn Quốc. FOC là giai đoạn hai trong Quy trình thẩm định ba giai đoạn chuẩn bị cho việc chuyển giao OPCON.
Nếu được sự chấp thuận của bộ trưởng quốc phòng hai nước, một cuộc thử nghiệm về "Khả năng Nhiệm vụ Toàn diện" (FMC) sẽ được tiến hành vào năm 2021. Đến nay, Seoul và Washington đã thực hiện giai đoạn 1 (thử nghiệm Năng lực tác chiến ban đầu (IOC)) vào tháng 8/2019.
Mặc dù Hàn Quốc muốn tổ chức cuộc tập trận chung tập trung vào FOC như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao OPCON, song quân đội Mỹ lại cho rằng việc tiến hành các cuộc tập trận là để tăng cường thế trận phòng thủ chung lớn hơn chứ không chỉ tập trung chuẩn bị cho việc chuyển giao OPCON.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 10/2020 đã nói rằng quá trình chuyển giao OPCON cho Hàn Quốc "sẽ mất thời gian", trong khi Tướng Robert Abrams, Tư lệnh các lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc (USFK), cũng cho rằng 3 bước không phải là yêu cầu duy nhất mà quân đội Hàn Quốc phải đáp ứng và hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá trước khi chuyển giao OPCON.
Ngoài ra, vẫn còn phải xem liệu các cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ có được tổ chức theo kế hoạch hay không trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát triệt để.
Ken Gause, Giám đốc chương trình "Phân tích đối thủ" tại CAN, nhận định: "Mỹ sẽ muốn đảm bảo rằng Hàn Quốc phải được chuẩn bị đầy đủ cho việc chuyển giao OPCON và nếu điều này đồng nghĩa với việc các cuộc tập trận chung có quy mô lớn hơn và Mỹ sẽ vận động theo hướng đó," đồng thời cho biết thêm rằng Washington dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên ba yếu tố là Hàn Quốc, USFK và các hành xử của Triều Tiên.
Daniel Sneider, một chuyên gia về chính sách quốc tế tại trường Đại học Stanford, cũng cho rằng liên quân Hàn-Mỹ nên nối lại các cuộc tập trận chung với quy mô toàn diện.
Ông nói: "Khả năng hoạt động và khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đã bị suy giảm do việc tạm ngừng các cuộc tập trận chung thường niên và nó thu được rất ít lợi ích. Đã đến lúc khôi phục hoạt động bình thường của liên minh an ninh của chúng tôi."
Phó Giáo sư Pardo cho rằng chính quyền Moon Jae-in có khả năng sẽ đợi cho đến khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức để quyết định về cuộc tập trận quân sự thường niên sắp tới. Ông nói: "Nếu có vẻ như chính quyền Biden sẽ sẵn sàng can dự với Triều Tiên và đưa ra một lộ trình rõ ràng liên quan đến việc chuyển giao OPCON, tôi hy vọng chính quyền Moon Jae-in sẽ cố gắng thúc đẩy các cuộc tập trận quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nếu chính quyền Biden do dự về thời điểm có thể diễn ra việc chuyển giao OPCON, Seoul chắc chắn sẽ sẵn sàng tổ chức các cuộc tập trận chung một cách toàn diện hơn."
Phó Giáo sư Pardo cũng khuyến cáo rằng chính phủ Hàn Quốc nên ưu tiên cho vấn đề chuyển giao OPCON hơn là việc cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Ông nói: "Theo quan điểm của tôi, việc chuyển giao OPCON rõ ràng là thực tế hơn việc bắt đầu lại một quá trình hướng tới hòa giải liên Triều. Và dù sao Hàn Quốc cũng sẽ có cơ hội để can dự với Triều Tiên trong tương lai."
Tuy nhiên, Ken Gause lại không lạc quan về khả năng liên quân Hàn-Mỹ đáp ứng được thời hạn chuyển giao OPCON. Ông nói: "Sẽ có những thách thức, và các vấn đề không lường trước được nảy sinh có thể sẽ dẫn đến trì hoãn việc này. Những cân nhắc kỹ lưỡng cho thấy việc chuyển giao OPCON sẽ tạo ra những bất ổn cho khu vực, có thể làm suy yếu các vấn đề lớn hơn như phi hạt nhân hóa và can dự với Triều Tiên"./.