Hàn Quốc có tham gia với Mỹ để "cách ly" chuỗi cung ứng từ Trung Quốc?

Với vị thế dẫn đầu toàn cầu về R&D và công nghệ sản xuất cũng như thị phần toàn cầu chất bán dẫn, Hàn Quốc sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu....
Hàn Quốc có tham gia với Mỹ để "cách ly" chuỗi cung ứng từ Trung Quốc? ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez. (Nguồn: state.gov)

Theo tạp chí The Diplomat, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez kêu gọi Hàn Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn “có khả năng phục hồi” vào cuối tháng 12/2021 khi ông Fernandez đến Seoul tham gia Đối thoại Kinh tế Cấp cao (SED) lần thứ 6 giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Lời kêu gọi của ông Fernandez được đưa ra vào thời điểm Washington đang cố gắng giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu chip trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt với Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao.

Ngay trước khi diễn ra SED lần thứ 6, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng đã đến thăm Seoul, Tokyo và New Delhi để thảo luận về các vấn đề thương mại và chuỗi cung ứng.

Với vị thế dẫn đầu toàn cầu về nghiên cứu và phát triển (R&D) và công nghệ sản xuất cũng như thị phần toàn cầu chất bán dẫn, Hàn Quốc chắc chắn có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trên thực tế, Hàn Quốc có lẽ là quốc gia duy nhất có thể hợp tác với Mỹ trong ba trên bốn lĩnh vực dễ bị tổn thương được xác định trong báo cáo chuỗi cung ứng của chính quyền của ông Biden công bố vào tháng 6/2021: Đó là chất bán dẫn, pin dung lượng lớn và dược phẩm có các thành phần dược hoạt tính, trong khi Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực còn lại là khoáng sản và nguyên liệu quan trọng.

Xu hướng thay đổi trong các chủ đề được thảo luận tại SED cũng cho thấy tầm quan trọng của Hàn Quốc với tư cách là đồng minh chủ chốt trong các chính sách toàn cầu của Mỹ và sự cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây.

[Quan chức Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng] 

Bắt đầu từ tháng 11/2015, SED đầu tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc tập trung vào “các lĩnh vực mới” như an ninh y tế, Bắc Cực và các đại dương.

“Vấn đề Trung Quốc” đặc biệt nổi lên trong SED lần thứ hai vào năm 2017, khi các đại biểu Hàn Quốc yêu cầu hợp tác để ngăn chặn các tác động tiêu cực của xung đột thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Seoul.

Sau đó, các đại biểu Mỹ đã đề nghị Seoul đóng vai trò tích cực hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington tại SED lần thứ ba (tháng 10/2018) và tái khẳng định các vấn đề này trong SED lần thứ tư, được tổ chức vào tháng 11/2019.

Sự tham gia của Hàn Quốc vào các vấn đề toàn cầu như chống lại địa dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế là một phần trong các vấn đề chính được nêu ra trong cuộc đối thoại lần thứ 5 diễn ra vào tháng 10/2020.

Gần đây nhất, như đã đề cập ở trên, các đại biểu Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng "chuỗi cung ứng chất bán dẫn có khả năng phục hồi" trong SED lần thứ sáu.

Trong những năm qua, người Hàn Quốc luôn miêu tả môi trường địa chính trị của nước này như một “kẽ hở nhỏ” giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi sự đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc - hay cụ thể hơn là “cạnh tranh chiến lược” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Biden - bước vào một giai đoạn mới, hướng tới sự phân tách về công nghệ và tài chính, liệu có những dấu hiệu mới hoặc thậm chí có thể là sự thay đổi trong lựa chọn chiến lược của Hàn Quốc?

Washington tiếp tục thúc ép nhiều quốc gia đi theo chính sách của Mỹ dẫn đến nhu cầu cạnh tranh và phân tách khỏi Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã đáp lại bằng kế hoạch “tuần hoàn kép,” nhấn mạnh đến việc tăng cường nhu cầu trong nước.

Những diễn biến này được xem là đáng báo động ở Hàn Quốc, nơi các quan chức liên tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của cả Trung Quốc về kinh tế và Mỹ về an ninh đối với đất nước của họ.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo ngày 6/1 đã phát biểu với tờ The Korea Times rằng: “Hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã dựa vào Mỹ về an ninh và không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở gần Trung Quốc - quốc gia có 20 năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Trên phạm vi toàn cầu, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của khoảng 50 quốc gia, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 100 nước. Do đó, không chỉ Hàn Quốc, mà các quốc gia khác cũng đang cảm thấy như vậy. Tôi nghĩ rằng hiện Hàn Quốc đang trong quá trình tìm ra một mô hình chung sống và bền vững giữa các siêu cường.”

Một kiến nghị công khai đã được đưa lên trên trang web chính thức của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) vào đầu năm 2021 yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc ngừng cấp phép đối với các khoản đầu tư vốn từ Trung Quốc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc để ngăn chặn khả năng rò rỉ các công nghệ tiên tiến. Hơn 30.000 người Hàn Quốc đã ký vào bản kiến nghị này.

Vì rất nhiều lý do, thái độ của Hàn Quốc đối với Trung Quốc ngày càng trở nên xấu đi trong những năm gần đây. Theo một báo cáo chính sách do Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) công bố tháng 12/2021, “sự phụ thuộc kinh tế của Hàn Quốc vào Trung Quốc tạo ra rủi ro khi chuyển từ tâm lý tiêu cực thành hành động chính sách.”

Hàn Quốc có tham gia với Mỹ để "cách ly" chuỗi cung ứng từ Trung Quốc? ảnh 2(Nguồn: businesskorea.co.kr)

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Trung Quốc chiếm hơn 40% xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc tính đến tháng 10/2021.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đã buộc Chính phủ Hàn Quốc phải xem xét một chiến lược phát triển thị trường mới, một kiểu giống như sáng kiến thị trường “Trung Quốc+1” của Nhật Bản, trong đó Nhật Bản tiếp tục hiện diện ở thị trường Trung Quốc; đồng thời tích cực phát triển các thị trường khác.

Rõ ràng, thị trường ASEAN, vốn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các sản phẩm trung gian, là hướng đi chính cho cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mối quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân với các nước ASEAN đã nhiều lần được nhấn mạnh trong “Chính sách Hướng Nam mới” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Các nước ASEAN sẽ vẫn là một điểm xoay trục quan trọng đối với chính sách ngoại giao toàn cầu và hướng Nam của Hàn Quốc, bất kể đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Ba năm nay.

Tuy nhiên, trong khi Seoul và Tokyo chia sẻ một số quan ngại và thậm chí đã áp dụng một số chiến lược chung, khả năng hợp tác sâu rộng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phù hợp với việc tái tổ chức chuỗi cung ứng của Mỹ nhắm vào Trung Quốc vẫn còn thấp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Các tranh chấp chính trị, lịch sử và lãnh thổ tiếp tục ngăn cản Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào hợp tác toàn diện hơn hoặc sâu sắc hơn. Trên thực tế, điều ngược lại hoàn toàn xảy ra: Vào năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cụ thể sang Hàn Quốc, sau khi căng thẳng về các vấn đề lịch sử giữa Seoul và Tokyo leo thang đáng kể.

Vào thời điểm mà sự phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là điều không thể tránh khỏi và Washington đang thúc ép Seoul đóng một vai trò tích cực hơn, đáng tin cậy và linh hoạt hơn trong việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, liệu Hàn Quốc có nên hợp tác với Mỹ trên mọi mặt trận, chẳng hạn như phối hợp với Washington để xây dựng “chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực tập trung vào Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN?

Đây sẽ là một trò chơi lâu dài và người Mỹ dường như đã quyết định chơi hết mình, ngay cả khi buộc phải gây sức ép với các đồng minh. Mỹ không chỉ yêu cầu các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc cung cấp thông tin nội bộ về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà còn gây sức ép buộc một công ty Hàn Quốc phải tạm dừng các chuyến hàng máy móc tiên tiến tới nhà máy bán dẫn của họ ở Trung Quốc.

Khi áp lực của Mỹ tăng lên, liệu Hàn Quốc có thể tiếp tục lựa chọn giải pháp “đứng ở giữa” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không? Ông Choi Jin-baek thuộc Viện Ngoại giao và An ninh Quốc gia của Hàn Quốc đã cảnh báo trong một phân tích vào tháng 4/2021: “Tốc độ phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tăng tốc trong những năm tới".

Điều này sẽ phá vỡ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Hàn Quốc với Trung Quốc mà Seoul có thể duy trì khi mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh vẫn ở mức cao.

Do đó, việc Bắc Kinh thúc đẩy "tuần hoàn kép" cho thấy rằng chiến lược "tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc" của Hàn Quốc không còn là một lựa chọn khả thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục