Hàn Quốc cần nhanh chóng định hình lại chính sách đối với người di cư

Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế cho rằng Hàn Quốc cần coi người di cư là thành viên thiết yếu của xã hội thay vì chỉ như đối tượng được tiếp nhận để đáp ứng nhu cầu lao động.
Hành khách tại nhà ga ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Báo The Korea Times đăng bài phỏng vấn Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Amy Pope cho rằng Hàn Quốc cần điều chỉnh, coi việc tiếp nhận người di cư như một phần trong tương lai của Hàn Quốc.

Bà Pope nhấn mạnh Hàn Quốc cần nhanh chóng định hình lại chính sách đối với người di cư, coi họ là những thành viên thiết yếu của xã hội thay vì chỉ như những đối tượng được tiếp nhận để đáp ứng nhu cầu lao động.

Trong chuyến thăm Seoul diễn ra tuần trước, người đứng đầu IOM cho rằng cộng đồng người di cư sẽ phải là một phần trong kế hoạch tương lai của Hàn Quốc. Vì thế, các cộng đồng đang tiếp nhận người di cư cần đảm bảo để nhóm đối tượng này hòa nhập tốt và hiểu rõ văn hóa để có thể trở thành một phần của xã hội.

Theo bà Pope, điều quan trọng hơn nữa là Hàn Quốc cần thu hút một số nhân tài giỏi nhất ở nhiều lĩnh vực khác nhau đảm bảo cho Hàn Quốc có thể tiếp cận nguồn nhân lực để thúc đẩy các mục tiêu phát triển quốc gia quan trọng theo định hướng của chính phủ.

Chính vì vậy, Tổng giám đốc IOM Amy Pope kêu gọi Hàn Quốc chuyển đổi cơ bản chính sách, coi người di cư như một “nhóm công dân nước ngoài giải quyết nhu cầu lao động” sang câu chuyện tập trung vào việc “biến người di cư và gia đình họ trở thành một phần của cộng đồng địa phương."

Thông điệp của Tổng giám đốc IOM được đưa ra cộng hưởng với những nỗ lực thời gian qua của Hàn Quốc nhằm thu hút nhiều người di cư hơn để giải quyết thiếu hụt lực lượng lao động trong bối cảnh dân số suy giảm nhanh chóng.

Dữ liệu mới nhất của Cục thống kê quốc gia công bố ngày 29/2 cho thấy tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm xuống mức thấp lịch sử là 0,72 vào năm 2023, thấp hơn so với mức 0,78 của năm trước. Tỷ lệ theo quý thậm chí còn giảm xuống chỉ còn 0,65 vào quý cuối cùng của năm 2023.

Với tình hình trên, Hàn Quốc đã trở thành điểm đến của lao động phổ thông, đặc biệt thông qua chương trình Cấp phép lao động (EPS) của chính phủ, cho phép tiếp nhận hàng chục nghìn lao động phổ thông nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao vẫn là một thách thức.

Bà Pope cũng cho rằng Hàn Quốc cần xem xét cung cấp cho sinh viên quốc tế cơ hội ở lại lâu hơn như là một chiến lược hiệu quả để giữ chân họ sau khi họ hoàn thành chương trình học tập dài hạn tại Hàn Quốc. Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào thu hút cá nhân những người trẻ tuổi, cần tạo cơ hội để những người di trú nước ngoài có thể đoàn tụ, mang theo gia đình. Có như vậy, họ không chỉ quan tâm đến công việc, mà còn gắn bó toàn diện với các vấn đề cộng đồng.

Hơn nữa, trẻ em thường có thể là cầu nối giữa người di cư và nền văn hóa sở tại một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Trong phát biểu, nữ Tổng giám đốc IOM phản đối các thông tin chống lại cộng đồng người nhập cư, cho rằng họ rất dễ trở thành mục tiêu của các tranh chấp chính trị, đảng phái.

Bà Pope nhấn mạnh có căn cứ cho thấy đa số người di cư thực sự tuân thủ luật lệ và họ ít có khả năng phạm tội hoặc góp phần vào hành vi tội phạm hơn các cộng đồng khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục