Ngày 6/4, giới chức Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc tất cả các phương án để đảm bảo có đủ nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tiêm phòng cho người dân trong nước.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vaccine từ chương trình phân phối COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng và sự chậm trễ trong việc bàn giao vaccine có nguy cơ làm chậm tốc độ tiêm phòng của nước này.
Theo thông báo tuần trước, Hàn Quốc sẽ chỉ nhận được 432.000 liều vaccine trong khuôn khổ sáng kiến COVAX thay vì 690.000 liều như kế hoạch và thời gian bàn giao sẽ bị lùi đến tuần thứ 3 của tháng 4. Đây là lần thứ 2 chương trình tiêm phòng của Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi việc giao hàng chậm.
Do đó, giới chức Hàn Quốc đang xem xét phương án hạn chế xuất khẩu vaccine của AstraZeneca do SK bioscience (công ty con của SK Chemicals) sản xuất Cho đến nay, vaccine của AstraZeneca do SK bioscience sản xuất đã được chuyển đến Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) và bàn giao cho chương trình COVAX để cung cấp cho 64 nước nghèo.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tính đến ngày 5/4, Hàn Quốc đã tiêm phòng được gần 1 triệu liều vaccine. Theo thống kê, Hàn Quốc có tổng cộng 106.230 ca nhiễm, trong đó có 1.752 ca tử vong do COVID-19.
[Ấn Độ dừng xuất khẩu vaccine, châu Phi khó đạt mục tiêu tiêm chủng]
Trước đó, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu vaccine do số ca nhiễm tại nước này tăng đột biến, khiến chương trình COVAX bị thiếu hụt nghiêm trọng vaccine của AstraZeneca (do Viện Serum Ấn Độ sản xuất). Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải kêu gọi các nước dư thừa vaccine ngừa COVID-19 quyên góp khẩn cấp 10 triệu liều cho chương trình phân phối COVAX.
Một trong những quốc gia bị ảnh hưởng từ sự thiếu hụt vaccine của COVAX là Indonesia. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết quốc gia này đã mất 10 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX do thiếu hụt vaccine và điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ triển khai kế hoạch tiêm chủng của chính phủ./.