Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật thúc đẩy tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm tài nguyên từ ngày 2/8 trong vòng 40 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, dự thảo này có nội dung cấm các siêu thị trong nước sử dụng túi nilon dùng một lần, hiện đang được bán với mức giá nhất định cho người mua.
Điều này nhằm cải thiện tình hình sử dụng túi nilon của Hàn Quốc hiện nay.
[Kinh nghiệm tái chế vỏ chai nhựa ở Na Uy có thể áp dụng tại Việt Nam?]
Trung bình người dân Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 414 túi nilon trong một năm, cao hơn nhiều so với mức 198 túi của người dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, các cửa hàng bán bánh kẹo, vốn không bị hạn chế về việc sử dụng loại túi này, cũng sẽ nằm trong danh mục ngành nghề bị cấm cung cấp miễn phí túi nilon sử dụng một lần cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường quyết định bổ sung thêm 5 mặt hàng là túi nilon tiệm giặt là, bọt biển dùng trong vận chuyển hàng hóa, túi nilon bọc ô, găng tay nilon dùng một lần, màng bọc thực phẩm vào danh mục các hàng hóa áp dụng cơ chế "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất."
Một khi bị chỉ định vào danh sách áp dụng cơ chế này, nhà sản xuất sẽ phải chi trả một khoản phí để hỗ trợ cho các công ty tái chế những chất thải liên quan tới sản phẩm trên.
Sự thay đổi trên dự kiến được thực thi từ cuối năm nay.
Bộ Môi trường cũng đang có kế hoạch xúc tiến phương án nâng tỷ lệ bắt buộc tái sử dụng túi nilon, hiện đang ở mức 66%, lên 90% vào năm 2022./.