Ngày 13/11, Tòa án quận trung tâm thủ đô Seoul đã bắt đầu xét xử vụ kiện dân sự, trong đó các phụ nữ Hàn Quốc từng bị cưỡng ép phục vụ trong các nhà chứa của Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới thứ hai kiện Chính phủ Nhật Bản.
Phía Nhật Bản đã từ chối tham gia phiên tòa trên với lý do quyền miễn trừ quốc gia cho phép nước này không bị xét xử tại những quốc gia khác. Năm 2016, một nhóm gồm 20 phụ nữ bị cưỡng ép làm lao động tình dục thời chiến và thân nhân họ đã khởi kiện Chính phủ Nhật Bản nhằm đòi khoản bồi thường trị giá 200 triệu won/người (tương đương 171.000 USD/người). Tuy nhiên, quá trình này đã bị trì hoãn sau khi Chính phủ Nhật Bản từ chối tiếp nhận đơn kiện. Hiện chưa rõ vụ kiện sẽ kéo dài bao lâu, bởi tòa án sẽ chỉ phụ thuộc vào lập luận pháp lý của bên nguyên trước khi đưa ra phán quyết.
[Hàn Quốc tưởng nhớ những phụ nữ bị ép mua vui trong thời chiến]
Vấn đề "phụ nữ mua vui" là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài. Theo thỏa thuận năm 2015, Nhật Bản xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen (9,18 triệu USD) để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên. Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye còn tại nhiệm.
Tuy nhiên, Tổng thống hiện nay Moon Jae-in cho rằng đây là một thỏa thuận sai lầm và không phản ánh đúng những ý kiến của "những phụ nữ mua vui" còn sống. Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc thông báo giải thể “Quỹ hỗ trợ cho nạn nhân là phụ nữ mua vui” được thành lập năm 2016 trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm giải quyết vấn đề nhạy cảm này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau đó đã kêu gọi Hàn Quốc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, cảnh báo việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trở thành bất khả thi nếu các cam kết quốc tế bị phá vỡ./.