Hàn Quốc-Ấn Độ sẽ sửa hiệp định về quan hệ kinh tế toàn diện

Lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Ấn Độ đã nhất trí đàm phán sửa đổi hiệp định về quan hệ kinh tế toàn diện (CEPA) từ nay đến tháng 6/2016 hướng tới tăng cường thương mại giữa hai bên.
Hàn Quốc-Ấn Độ sẽ sửa hiệp định về quan hệ kinh tế toàn diện ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, tại Seoul ngày 18/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang ở thăm Hàn Quốc, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đàm phán sửa đổi hiệp định về quan hệ kinh tế toàn diện (CEPA) từ nay đến tháng 6/2016.

Hiệp định hướng tới tăng cường thương mại giữa hai bên “cả về chất lượng lẫn số lượng” trong bối cảnh hai nước quyết định nâng cấp mối quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt.

Các cuộc đàm phán này sẽ cho phép hàng hóa của Hàn Quốc cạnh tranh một cách bình đẳng hơn với hàng hóa của Nhật Bản tại thị trường Ấn Độ, nơi có tới 1,2 tỷ người tiêu dùng. Trong năm 2014, giá trị trao đổi thương mại hai chiều Hàn Quốc-Ấn Độ đạt 18,1 tỷ USD.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết Thủ tướng Modi coi Hàn Quốc là một đối tác quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế của mình, đặc biệt chú ý đến các ngành như đóng tàu, hàng điện tử và chế tạo máy của Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc cũng bày tỏ ý định cung cấp 10 tỷ USD cho các dự án hợp tác chung giữa hai bên trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có cả đường sắt, phát và truyền tải điện.

Hai nhà lãnh đạo còn hoan nghênh thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như thăm dò Mặt Trăng, dẫn đường bằng vệ tinh và khoa học vũ trụ.

Cùng ngày, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận cùng sản xuất các sản phẩm nghe nhìn, cho phép các nhà sản xuất phim tận dụng được nhiều biện pháp khuyến khích của hai chính phủ.

Đây là thỏa thuận mới nhất trong lĩnh vực này Hàn Quốc ký kết với nước ngoài sau các thỏa thuận tương tự với Australia, Trung Quốc và New Zealand.

Theo thỏa thuận này, các sản phẩm mà hai bên cùng nhau sản xuất sẽ được coi là sản phẩm nội địa của mỗi nước và sẽ được hưởng các ưu đãi dành cho các sản phẩm nội địa.

Các quan chức kỳ vọng thỏa thuận này sẽ góp phần tăng cường lượng phim chiếu rạp và chương trình phim truyền hình sang Ấn Độ - thị trường nghe nhìn lớn thứ sáu trên thế giới và được dự báo là sẽ tăng trưởng trung bình 10,4% năm trong vòng 5 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục