Ngày 11/10, Hàn Quốc và Nhật Bản đã kết thúc vòng đàm phán thứ nhất về tranh cãi thương mại song phương với một thỏa thuận sẽ gặp lại để tiếp tục tiến hành các hoạt động tham vấn.
Trước đó, phái đoàn hai nước đã gặp nhau tại Geneva sau khi Seoul khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng trước về chính sách thắt chặt các hoạt động kiểm soát xuất khẩu của Tokyo.
Phát biểu trước báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc Chung Hae-kwan cho biết: "Chúng tôi đã nhất trí rằng các cuộc tham vấn tiếp theo là cần thiết, và quyết định lên kế hoạch cho vòng đàm phán song phương thứ hai thông qua các kênh ngoại giao."
Các cuộc đàm phán trên là một phần của tiến trình giải quyết tranh chấp được quy định trong các quy định của WTO.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Hàn Quốc sẽ có thể yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh cãi, hoạt động như một tòa sơ thẩm.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, hai nước đã sắp xếp thời gian và địa điểm cho cuộc đàm phán kể từ khi Nhật Bản nhất trí với yêu cầu của Hàn Quốc về việc tổ chức các cuộc tham vấn song phương cấp vụ trưởng hôm 20/9.
Thời gian qua, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang thị trường Hàn Quốc.
Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo.
Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc và có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do, cũng như ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Hàn Quốc cũng đã loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy./.