Hạn một tháng "dẹp" nạn nhà xe côn đồ trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng

Lượng hành khách đi tuyến Hà Nội-Hải Phòng ít, tình trạng cung vượt cầu khiến tình trạng nhà xe đe dọa, chèn ép, tranh giành khách đã trở thành nỗi lo với mỗi hành khách ngồi trên xe.
Hạn một tháng "dẹp" nạn nhà xe côn đồ trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng ảnh 1Cung vượt cầu đã khiến tình trạng vận tải tuyến Hà Nội-Hải Phòng có nhiều bất cập. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Lượng hành khách đi tuyến Hà Nội-Hải Phòng ít và chỉ chiếm hơn 42% hệ số sử dụng ghế trong khi có tới 16 đơn vị với 225 xe hoạt động đã dẫn đến hiện tượng tranh giành khách, đe dọa, chèn ép và xung đột nhau gây mất trật tự an toàn giao thông giữa các doanh nghiệp vận tải.

Nhà xe đe dọa, “choảng” nhau trên đường

Tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị cơ quan liên quan về hoạt động vận tải tuyến Hà Nội-Hải Phòng vào chiều nay (6/5), theo báo cáo của ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng, số lượng doanh nghiệp tham gia tuyến Hải Phòng-Hà Nội là 16 đơn vị với 225 xe trong đó, Hải phòng có 10 đơn vị với 191 xe. Hà Nội có 6 đơn vị với 34 xe. Biểu đồ tần suất hoạt động 375 chuyến/ngày đêm/16 tuyến với 10 phút chuyến. Tỷ lệ xe trung bình chạy tuyến là 89%. Sản lượng 7.800 hành khách tương ứng hệ số 42%.

Đánh giá về chất lượng các xe này, ông Thọ cho rằng, tất cả các phương tiện đều hoạt động tốt, trước đây xe chủ yếu từ 16-35 chỗ ngồi sản xuất năm 2008 nhưng đến nay, cơ bản được chuyển đổi công năng sử dụng đến 47 ghế.

“Lượng khách chỉ đông vào ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, không xảy ra ùn tắc và thiếu xe trong những ngày lễ, Tết. Từ năm 2011 đến nay, địa phương không cấp thêm giấy phép doanh nghiệp mà chỉ tập trung duy trì ổn định, rà soát giảm tần suất 19 chuyến xe hoạt động kém hiệu quả hoặc có những tái phạm nhiều lần,” vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng khẳng định.

Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và đội ngũ lái xe, ông Thọ cho rằng, các đơn vị vận tải hiện vẫn còn tình trạng chưa chấp hành điều kiện kinh doanh, vi phạm đăng ký, niêm yết chạy sai hành trình, xe xuất bến cố tình dừng đỗ lâu ở bến Gia Lâm, Lương Yên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, tắt thiết bị hộp đen, cạnh tranh bằng cách dùng “cò mồi” kèo chéo hoặc “bắt chẹt” hành khách…

Thừa nhận hiện tượng gây mất trật tự qua phản ánh của đơn vị vận tải là có, thậm chí có trường hợp đối tượng nhắn tin, đe dọa và yêu cầu một số xe đang lưu thông trên đường phải chạy chậm lại để xe khác chạy lên trên nhằm chèn ép và bắt khách, đặc biệt có hành vi gây thương tích cho lái xe.

Là đơn vị quản lý hoạt động xe trong bến, đại diện Bến xe Lương Yên cho biết, tuyến Hải Phòng có 96 xe xuất bến ngày. Trước đây, có 1 số đối tượng nhận là nhân viên điều hành của doanh nghiệp vận tải nhưng lại “núp bóng” đối tượng “cò mồi” câu kéo khách, thậm chí hành hung nhân viên của bến xe.

“Xe đến giờ xuất bến vẫn cố tình đi chậm. Lái phụ xe tuyến Hải Phòng manh động đến mức đánh cả Phó Giám đốc bến xe Lương yên,” đại diện Bến xe Lương Yên tiết lộ.

Theo Thượng tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng, việc cạnh tranh xe khách ở dọc Quốc lộ 5 chỉ là một số nhóm ít đơn vị vận tải (tập trung ở 10 xe), xuất phát từ 2 lực lượng chính là Công ty Hoàng Long và các hãng xe của cá thể, cá nhân và lực lượng bốc vác ở bến trước đây giờ có điều kiện mua xe để trở thành các chủ xe mới.

Chỉ ra phương thức thủ đoạn tranh chấp thay đổi từng ngày từng giờ, theo thời gian, Thượng tá Lê Hồng Thắng cho rằng, xe ôm đi chậm, nhà xe vội mở cửa cho khách “vọt” lên xe nên việc bắt quả tang, xử lý là rất khó khăn.

“Trong hai tuần qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã cử trinh sát quay toàn bộ phương tiện có dấu hiệu vi phạm các xe đồng thời thông báo đến tất cả các xe vi phạm để Cảnh sát giao thông xử lý. Sáng ngày 9/5 tới đây, chúng tôi sẽ chính thức ra quân kiểm tra, xử lý,” Thượng tá Lê Hồng Thắng nói.

Một tháng phải dẹp tranh giành, chèn ép xe nhau

Thừa nhận việc tranh giành khách thiếu lành mạnh, dừng đỗ đón trả khách không những diễn ra trên Quốc lộ 5 mà nhiều tuyến đường khác đều có, Đại tá Lưu Thanh Hiệp, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn lỏng lẻo trong khi Quốc lộ 5 chỉ có 1-2 tổ tuần tra của Cục Cảnh sát giao thông dọc tuyến đường.

Hạn một tháng "dẹp" nạn nhà xe côn đồ trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng ảnh 2Cảnh sát giao thông bắn tốc độ xe khách lưu thông trên đường. (Ảnh: TTXVN)

Đồng tình quan điểm này, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Trần Văn Trường, một số doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ kinh doanh vận tải nhưng lại khoán trắng cho lái xe, buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của phương tiện và lái xe.

“Do vậy, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và lái xe phải có hậu kiểm sau thanh kiểm tra của hai Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Hải Phòng,” Phó Chánh Thanh tra Trần Văn Trường cho biết.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai mạnh trong quản lý vận tải hành khách, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh trong và ngoài đô thị.

“Thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 86 và Thông tư 63 phục vụ hoạt động vận tải. Tháng Sáu tới đây sẽ quy hoạch mạng lưới vận tải để quản lý luồng tuyến tốt hơn, xã hội hóa đầu tư các bến xe khách nhằm đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt hơn,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đặt câu hỏi Nhà nước phải đưa ra giải pháp như thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại lớn của người dân, tránh để xảy ra hiện tượng luồng tuyến tự do, ai muốn chạy thì chạy.

“Cách quản lý thiếu thực tiễn như điểm đón trả khách chưa bố trí phù hợp dẫn đến ng dân đứng dọc đường bắt xe dẫn đến một số doanh nghiệp, lái xe đi trên đường tranh giành đón, trả khách, đe dọa lẫn nhau như ‘anh hùng xa lộ’,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ví von.

Đưa ra giải pháp để chấn chỉnh tuyến hành khách này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, các đơn vị liên quan cần xác định các điểm dừng, đỗ để đón, trả khách; quy định số lượng khách như thế nào mới được xuất bến; ban hành quy định từ Bộ với các tỉnh về khai thác thiết bị hộp đen để có sự ràng buộc; tăng cường thanh kiểm tra đột xuất phương tiện lắp đặt thiết bị hoạt động…

Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Giao thông Vận tải nơi tuyến xe khách này đi qua có đường dây nóng để người dân phản ánh đồng thời trong tháng Năm này sẽ tiến hành thanh tra toàn diện một số các doanh nghiệp vận tải có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để có sự chấn chỉnh hoặc tạm thu hồi và tước giấy phép kinh doanh.

“Tôi yêu cầu trong vòng một tháng giải quyết xong hiện tượng tranh giành khách trên tuyến đường này. Nếu còn đối tượng hay nhà xe nào cố tình nhắn tin đe dọa về gây mất trật tự an toàn giao thông nếu cần thiết thì xử lý hình sự,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bày tỏ quan điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục