Hạn mặn khốc liệt đe dọa vùng trồng cây ăn quả đầu nguồn sông Tiền

Mùa khô 2019-2020, lần đầu tiên, vùng trồng cây ăn trái phía đầu nguồn sông Tiền phải đối mặt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng.
Đắp đập ngăn mặn trên cù lao Tân Phong. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Các huyện nằm ở phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) như Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành... là vựa lúa, vựa trái cây đặc sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.

Nguồn lợi kinh tế lớn này đã giúp nông dân ổn định đời sống, nông nghiệp-nông thôn đổi mới.

Gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến khu vực này. Điển hình mùa khô 2019-2020, lần đầu tiên, vùng trồng cây ăn trái phải đối mặt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Hạn mặn uy hiếp vùng trồng chuyên canh sầu riêng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, vùng cây ăn quả ở phía Nam Quốc lộ 1 chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn với trên 36.000ha. Trong đó, trên 24.000ha mẫn cảm với mặn cần bảo vệ, đặc biệt là vùng trồng sầu riêng chuyên canh trên 12.000ha, tập trung tại huyện Cai Lậy và địa bàn lân cận.

Từ trước Tết Nguyên đán 2020, mặn từ cửa sông Tiền lấn sâu hơn 100km về phía thượng lưu, vượt qua địa bàn huyện Cai Lậy và đến tận vàm Trà Lọt (huyện Cái Bè) phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Đến nay, toàn bộ phía Nam Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Tiền Giang đã bị mặn xâm lấn, vây hãm, uy hiếp trực tiếp vùng trồng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng hàng năm cung ứng không dưới 240.000 tấn quả cho nhu cầu thị trường trong, ngoài nước.

[Khô-mặn tiếp diễn “khốc liệt:” Hơn 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt]

Đặc biệt, trên sông Tiền, đoạn qua khu vực xã Tam Bình (Cai Lậy) những ngày qua, độ mặn có thời điểm đo được cao nhất gần 6 gr/lít. Trong khi đó, cây sầu riêng chỉ chịu được nước mặn dưới 0,5 gr/lít. Nguy cơ thiếu nước ngọt tưới cây, nước bị nhiễm mặn làm chết cây ăn trái khiến nông dân rất lo lắng.

Trước tình hình trên, huyện Cái Bè thi công nâng cấp, sửa chữa 16 cống đập, 16 công trình kênh mương thủy lợi nội đồng, trang bị 15 máy đo độ mặn, tiến hành đo độ mặn hàng ngày và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động phòng chống.

Huyện Châu Thành cho đóng toàn bộ 173 cống ngăn mặn, triều cường. Địa phương trang bị cho mỗi xã từ 2-3 bút đo mặn, kịp thời thông báo tới người dân biết để chủ động lấy nước tưới và dự trữ.

Huyện Cai Lậy huy động nguồn vốn khoảng 35,5 tỉ đồng thi công các công trình phòng chống hạn, mặn cho vùng chuyên canh. Trong đó, huyện nạo vét 42 công trình kênh mương, sửa chữa 12 công trình cống, thi công thêm 28 cống mới, đắp 24 công trình đập ngăn mặn bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn quả phía Nam, vùng trồng lúa năng suất cao phía Bắc Quốc lộ 1.

Địa phương tổ chức đo, theo dõi, cập nhật diễn biến mặn hàng ngày để khuyến cáo người dân lấy nước tưới cho vườn cây, tránh nguy cơ thiệt hại từ nguồn nước nhiễm mặn.

Mặc dù lòng kênh đã được vét để tận dụng lấy nước, nhưng mực nước vẫn xuống thấp, gây khó khăn cho việc bơm tát chống hạn. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Mặt khác, các xã trong vùng ảnh hưởng mặn khẩn cấp triển khai nhiều giải pháp như: Tu sửa cống đập ngăn mặn, củng cố mạng lưới đê bao, nạo vét kênh mương nội đồng trữ ngọt, cập nhật diễn biến mặn, khuyến cáo người dân ứng phó phù hợp...

Tỉnh đã đầu tư khoảng 39,2 tỷ đồng thi công các công trình ứng phó hạn, mặn cho vùng trồng cây ăn quả. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương thường xuyên theo dõi xâm nhập mặn để có biện pháp ứng phó...

Những giải pháp ứng phó sáng tạo

Trước tình hình thiên tai phức tạp, khó lường, nhân dân các địa phương tăng cường nạo vét kênh mương trữ ngọt, kết hợp tưới tiết kiệm, trang bị dụng cụ trữ ngọt thậm chí dùng sà lan lên vùng đầu nguồn chở nước ngọt về tưới cho cây trồng...

Ở xã cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) - nơi có gần 1.600ha chuyên canh sầu riêng, nhiều nông dân áp dụng mô hình dùng bạt nilon trải trong ao mương trữ ngọt tưới phòng chống hạn cho vườn cây ăn quả. Nước ngọt được người dân thuê sà lan bơm từ thượng nguồn sông Tiền về.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, toàn xã có khoảng 30 hộ áp dụng mô hình trữ ngọt như trên. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này.

Ứng phó với hạn mặn, xã cù lao Ngũ Hiệp còn khoan 1 giếng tầng sâu lấy ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nạo vét khẩn cấp 2 tuyến kênh mương nội đồng trữ ngọt, phục vụ tưới tiêu tại hai ấp Hòa Hảo và Hòa Thinh. Đây là những địa bàn đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất.

Tương tự, xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) nằm trên sông Tiền đang triển khai thi công khẩn cấp 14 đập ngăn mặn với tổng kinh phí 1,76 tỷ đồng. Xã tổ chức nạo vét tuyến kênh Miễu Bà, với kinh phí 150 triệu đồng bảo vệ cho hàng ngàn ha vườn cây ăn quả.

Các xã khác trong khu vực tích cực đẩy mạnh thi công nhiều công trình cống đập, kênh mương lấy nước tưới tiêu nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống hạn mặn cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu cho nông dân...

Cuối tháng 2/2020, tại nhà ông Nguyễn Văn Nhiên, ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV 9), Cục Trồng trọt, Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức tọa đàm “Ứng phó hạn mặn, bảo vệ vườn cây ăn quả,” thu hút trên 30 nông dân chuyên canh sầu riêng tham gia.

Tọa đàm nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn đối với vườn cây ăn quả, giải đáp thắc mắc của người dân, đưa ra biện pháp phục hồi vườn cây, giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Theo nông dân địa phương, nhiều vườn sầu riêng các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên... của huyện Cai Lậy đã cạn kiệt nước tưới trong khi mặn xâm lấn vào tận ao, mương, vườn với độ nhiễm cao, nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Nhiên, độ mặn đo được trong ao mương trên 2 gr/lít. Khu vườn rộng 7.000m2 của ông Nhiên có 40% cây trồng suy kiệt, đang chết dần...

Sầu riêng là cây trồng giúp nông dân địa phương làm giàu nhanh. Đây cũng là cây trồng lâu năm nên thiệt hại đối với sầu riêng do thiên tai ở huyện Cai Lậy sẽ rất lớn và ảnh hưởng lâu dài.

Tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nông dân cần khẩn cấp áp dụng những biện pháp bảo vệ vườn sầu riêng ứng phó với hạn mặn gay gắt. Cụ thể là củng cố hệ thống đê bao và bờ bao quanh vườn ngăn mặn; sử dụng nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô... hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc giữ ẩm. Nông dân không rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn, mặn xâm nhập nhằm hạn chế thiệt hại...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, nông dân cần đề cao cảnh giác, theo dõi độ mặn qua hệ thống thông tin đại chúng hoặc đài truyền thanh xã nhằm ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ,” không để thiệt hại nặng ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai cho các vùng chuyên canh cây trồng đặc sản, vùng trồng lúa năng suất cao phía Tây của tỉnh, trong tương lai, Tiền Giang cần đầu tư hoàn thiện kiến thiết hạ tầng giao thông-thủy lợi, hệ thống công trình cống đập, đê bao ngăn lũ và ngăn mặn nhằm bảo vệ sản xuất, đời sống hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục